Thuế GTGT và lập hóa đơn đối với hàng hóa, sản phẩm khuyến mại:
Theo Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn nguyên tắc lập hóa đơn:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa)”
Theo Khoản 5, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC: “Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.
…
c. Đối với các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ thì không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm.”.
Theo khoản 5 điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào: "5. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ."
Chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm khuyến mại:
Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của BTC hướng dẫn về thuế TNDN hướng dẫn: “Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”.
Như vậy, khi xuất hóa đơn hàng khuyến mãi:
- Trường hợp công ty có đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại cho khách hàng theo đúng quy định của Luật Thương mại về xúc tiến thương mại thì giá tính thuế đối với các hàng hóa này khi lập hóa đơn GTGT là bằng không theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Đối với các hàng hóa dùng cho chương trình khuyến mại nhưng chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật về thương mại thì Công ty phải thực hiện lập hóa đơn và kê khai tính thuế như hàng hóa biếu, tặng, cho, hàng tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất) như hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Lưu ý, chi phí thuế đầu ra này không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (CV số 1762/CT-TTHT của Cục thuế TPHCM ngày 01/03/2016). Đồng thời, chi phí thuế đầu ra này cũng không tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 23 Thông tư số 200/2014/TT-BTC thì trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm…) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
Tại Khoản 7 Điều 23 Thông tư số 200/2014/TT-BTC cũng quy định: “Khi mua hàng tồn kho nếu được nhận kèm thêm sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, phụ tùng thay thế (phòng ngừa trường hợp hỏng hóc) thì kế toán phải xác định và ghi nhận riêng sản phẩm, phụ tùng thiết bị thay thế theo giá trị hợp lý. Giá trị sản phẩm, hàng mua được xác định bằng tổng giá trị của hàng được mua trừ đi giá trị sản phẩm, thiết bị, phụ tùng thay thế”.
Căn cứ vào quy định nêu trên, về nguyên tắc trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa với số lượng lớn và được nhận kèm hàng hóa khuyến mại theo chương trình khuyến mại có điều kiện của nhà cung cấp thì kế toán phải phân bổ tổng giá trị của hàng được mua cho toàn bộ số hàng nhận được (bao gồm cả số hàng hóa khuyến mại có điều kiện nhận được).
Đối với bên bán
Bên bán mua hàng hóa hoặc sản phẩm do bên bán tự sản xuất sử dụng vào mục đích khuyến mại thì khi xuất hóa đơn sản phẩm, hàng hóa:
+ Nếu có đăng ký hàng khuyến mại với Sở công thương thì không phải tính thuế GTGT đầu ra
+ Nếu không đăng ký khuyến mại với Sở công thương thì phải tính thuế GTGT đầu ra như bình thường
– Nếu xuất sản phẩm để khuyến mại không thu tiền, không kèm theo điều kiện khi mua:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Thông tư 200)
Có TK 155, 156.
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (không đăng ký khuyến mại)
– Nếu xuất hàng hóa, sản phẩm không thu tiền và kèm theo điều kiện khi nhận hàng khuyến mại thì kế toán cần phân bổ số tiền để được tính doanh thu cho cả hàng hóa, sản phẩm khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán.
– Khi thực hiện xuất bán hàng hóa, sản phẩm khuyến mại, kế toán ghi nhận giá trị hàng hóa khuyến mại:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 155, 156 – Giá thành sản xuất, giá vốn hàng hóa
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (không đăng ký khuyến mại)
– Khi ghi nhận doanh thu của hàng khuyến mại trên cơ sở phân bổ số tiền thu được cho các sản phẩm, hàng hóa được bán và hàng khuyến mại, kế toán ghi:
Nợ TK 111, 112, 131,…
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đối với bên mua
Bên mua, khi nhận được hàng khuyến mại không kèm theo điều kiện mua hàng, kế toán hạch toán:
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Có TK 711 – Giá trị hàng khuyến mãi
Nếu nhận được hàng hóa, sản phẩm khuyến mại có kèm theo điều kiện thì khi nhận hàng kế toán cần phân bổ giá trị cho phù hợp:
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Nợ TK liên quan - trị giá hàng KM
Nợ TK 133 - Thuế GTGT
Có TK 331
Theo công văn 5357/TCT-CS ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Tổng cục thuế hướng dẫn cách xác định giá trị của hàng khuyến mãi để ghi giảm giá trị hàng hóa mua về như sau:
Tại Khoản 1.6.3 Điều 79 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn đối với trường hợp doanh nghiệp xuất hàng hóa để khuyến mãi, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mãi, quảng cáo kèm theo các Điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm) thì bản chất là giảm giá hàng bán nên doanh nghiệp phải phân bổ số tiền thu được cho cả 03 sản phẩm (bao gồm cả hàng được khuyến mãi). Theo đó, đối với bên mua, số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng sẽ được phân bổ cho cả số lượng hàng hóa mua và hàng hóa được khuyến mãi.
+ Trường hợp cả hàng hóa mua và hàng hóa được khuyến mãi là giống hệt nhau, ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm thì đơn giá của 01 đơn vị hàng hóa (kể cả hàng được khuyến mãi) được xác định là tổng số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng chia cho tổng số lượng hàng hóa được nhận về (03 sản phẩm).
+ Trường hợp hàng hóa được khuyến mãi khác với hàng hóa mà doanh nghiệp mua về thì căn cứ vào giá trị niêm yết của hàng khuyến mãi mà bên bán hàng công bố cho khách hàng hoặc giá trị thị trường của hàng hóa giống hệt để xác định giá trị của hàng khuyến mãi.”
Tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế dưới đây:
https://vinatas.com.vn/tu-van-thue/
Hoặc các khóa học của CleverCFO theo đường link sau:
https://clevercfo.com/