“Hai sổ”: lợi bất cập hại!

Son.Tran

Member
Hội viên mới
(TBKTSG) - Trước hết, xin nói rõ rằng việc một số doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) ngoài báo cáo tài chính lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam còn phải lập thêm một báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán của công ty mẹ áp dụng cho mục đích trình bày báo cáo tài chính hợp nhất là hoàn toàn hợp pháp. Bài viết này đề cập đến những rủi ro khi doanh nghiệp lập hai hệ thống sổ sách kế toán khác nhau nhằm mục đích “giảm nghĩa vụ đóng thuế”.

Xem thêm: Doanh nghiệp còn 2 sổ sách, đừng nói chuyện làm lớn

hai-so-ke-toan.jpg


Thông thường, một số doanh nghiệp dùng “hai sổ” để kê khai doanh thu thấp hơn thực tế. Nhiều khách hàng (đặc biệt là các khách hàng cá nhân) không yêu cầu hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nên doanh nghiệp có thể “cân đối” doanh số thấp hơn thực tế miễn sao đừng quá chênh lệch dẫn đến việc cơ quan thuế nghi ngờ. Trong bối cảnh đa số các giao dịch ở Việt Nam vẫn được thanh toán bằng tiền mặt thì cơ quan thuế rất khó kiểm soát được tình trạng này một cách hiệu quả.

Trường hợp thứ hai của việc dùng “hai sổ” là để “giảm nghĩa vụ đóng thuế” bằng cách kê khai chi phí cao hơn thực tế, bao gồm cả trường hợp đi mua hóa đơn bất hợp pháp.

Chung quy lại, cả hai cách làm này đều giúp giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng như giảm số thuế GTGT phải nộp. Xét về phía doanh nghiệp thì điều này có thể đem lại lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, cách làm này cũng gây ra rất nhiều tác hại trong ngắn hạn lẫn dài hạn mà có thể doanh nghiệp chưa suy xét đến.

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về kế toán (Luật Kế toán nghiêm cấm việc lập hai hệ thống sổ sách kế toán) và thuế (hành vi kê khai sai số thuế phải nộp), nghiêm trọng hơn thì hành vi này có thể bị điều chỉnh bởi Bộ luật Hình sự. Có thể việc này không bị cơ quan thuế phát hiện ra trong ngắn hạn nhưng doanh nghiệp cần lưu ý rằng thời hiệu truy thu thuế theo quy định hiện hành kéo dài đến mười năm, do đó rủi ro sẽ tồn tại rất lâu.

Tác hại thứ hai là việc duy trì hệ thống “hai sổ” sẽ khiến doanh nghiệp phải mất thời gian để “gia giảm” doanh thu/chi phí so với sổ sách kế toán thực tế. Qua một thời gian dài, nhiều khả năng sẽ có sự chồng chéo giữa hai hệ thống làm doanh nghiệp không có một hệ thống kế toán/tài chính phản ánh đúng tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó rất khó để đưa ra các quyết định về sản xuất kinh doanh phù hợp và kịp thời.

Trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tái cấu trúc, người viết bài này còn thấy có trường hợp doanh nghiệp có cả “ba sổ”: một sổ dùng cho báo cáo thuế, một sổ dùng cho mục đích quản trị thực tế nhưng không chính xác vì lý do nêu trên. Do đó, bộ phận kế toán phải làm thêm một sổ cho “sếp” trên cơ sở dòng tiền để nắm về tình hình doanh nghiệp! Đối chiếu với thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì cả ba hệ thống sổ sách này cũng không có cái nào chính xác!

Do vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc chỉ duy trì đúng một hệ thống sổ sách theo quy định của pháp luật cho cả kế toán và thuế theo thực tế phát sinh của nghiệp vụ kinh doanh. Thuế suất thuế TNDN hiện nay đã thấp hơn rất nhiều so với trước kia do đó số thuế “tiết kiệm” được từ hai hệ thống sổ sách đem lại có lẽ không đủ bù đắp cho các rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải hứng chịu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên lưu ý, theo Luật Quản lý thuế, việc chủ động kê khai và nộp thuế còn thiếu trong quá khứ trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra tại doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp không bị phạt hành chính về thuế (từ 20-300% số thuế phải nộp) và không bị xem là hành vi trốn thuế.

Tác hại thứ ba mà rất nhiều doanh nghiệp đã gặp phải khi duy trì hai hệ thống sổ sách là thực trạng này cản trở việc huy động vốn từ các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài luôn có yêu cầu soát xét thuế cẩn thận), cũng như tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán (do số liệu theo hệ thống sổ sách chính thức không đáp ứng được các chỉ tiêu tài chính)... Trong thực tế đã có rất nhiều giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) thất bại vì bên mua xác định được các rủi ro về thuế quá lớn tại doanh nghiệp mục tiêu, đồng thời không có một cơ chế hiệu quả hạn chế rủi ro cho bên mua sau khi tiếp quản doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn thực hiện giao dịch M&A với nhà đầu tư xét trong bối cảnh vẫn tồn tại rủi ro về thuế nêu trên, thực tế đã có nhiều trường hợp áp dụng các giải pháp “tình huống” nhằm làm cho nhà đầu tư yên tâm về rủi ro thuế liên quan đến quá khứ. Có thể liệt kê một số giải pháp như: (a) Doanh nghiệp cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn về các nghĩa vụ thuế phát sinh liên quan đến quá khứ trước thời điểm M&A. Cam kết này thường được thể hiện rất chi tiết trong các hợp đồng mua bán/đầu tư; (b) Thay vì giao dịch mua bán cổ phần/vốn góp tại doanh nghiệp, nhà đầu tư mua tài sản của doanh nghiệp. Dĩ nhiên, phương án này chỉ thực hiện được trong trường hợp các tài sản hữu hình là đối tượng chính của thương vụ như bất động sản, nhà xưởng... và các thủ tục pháp lý cho việc chuyển quyền sở hữu tài sản không quá phức tạp; (c) Doanh nghiệp tách tài sản/mảng kinh doanh ra thành một công ty riêng (công ty con hoặc công ty “chị-em” với công ty hiện hữu) và mời nhà đầu tư tham gia vào công ty mới này.

Các giải pháp vừa nêu có thể áp dụng được hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của các thương vụ và “khẩu vị” của nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc duy trì hệ thống “hai sổ” có thể làm phát sinh hàng loạt vấn đề khác cho mục đích thực hiện giao dịch và làm thu hẹp các lựa chọn của bên bán về phương pháp giao dịch. Thậm chí, trong nhiều trường hợp điều này trở thành yếu tố quyết định làm giao dịch bị đổ vỡ.

“Hai sổ” có lẽ là một câu chuyện dài với nhiều vấn đề khác nữa, nhưng rõ ràng các tác hại nêu trên, đặc biệt xét về dài hạn, là điều mà các doanh nghiệp cần xem xét một cách cẩn trọng để không tự đưa mình vào thế kẹt sau này.

(*) Công ty EY Vietnam, bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
Thân Xuân Thịnh - Trần Nam Dũng (*)

Xem thêm: Doanh nghiệp còn 2 sổ sách, đừng nói chuyện làm lớn
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top