Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân

tiger2774

Dễ thương nhất DKT
Hội viên mới
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân


Ngày 21/11/2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009.
Quy định chi tiết hơn thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công và từ thừa kế, quà tặng


Bám sát các nội dung quy định của Luật, Dự thảo Nghị định này hướng dẫn và quy định chi tiết bảo đảm nguyên tắc đơn giản, minh bạch và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội để các tổ chức, cá nhân có thể hiểu rõ và thực hiện được ngay.

Điều 5 Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Để thực hiện được quy định này, Dự thảo Nghị định quy định giao trách nhiệm cho Bộ Y tế hướng dẫn xác định danh mục các bệnh hiểm nghèo, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ cần thiết theo quy định của Luật quản lý thuế.

Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 48 triệu đồng/năm

Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh được áp dụng giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, sau đó áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần.

Để người nộp thuế có thể hình dung được ngay việc áp thuế, tính thuế đối với trường hợp cụ thể của mình, Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số nội dung như xác định thu nhập tính thuế bằng thu nhập chịu thuế sau khi đã trừ đi các khoản nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc; các khoản giảm trừ gia cảnh; và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.

Trường hợp người nộp thuế vừa có thu nhập tiền lương, tiền công, vừa có thu nhập từ kinh doanh thì phải cộng cả thu nhập từ 2 nguồn (Điều 6).

Để xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, Dự thảo quy định rõ các căn cứ xác định loại thu nhập này như: doanh thu đối với các trường hợp cụ thể; chi phí được trừ; xác định thu nhập chịu thuế đối với trường hợp cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán (các điều 7 đến 10).

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các trường hợp được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh và những điều kiện về thủ tục giấy tờ xác nhận đối với từng đối tượng, từng trường hợp bảo đảm nguyên tắc đơn giản nhất mà có thể quản lý, đối chiếu được.

Theo đó, việc giảm trừ người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế trong năm tính thuế; phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng từ thời điểm nào thì tính giảm trừ người phụ thuộc ở thời điểm đó; trường hợp đối tượng nộp thuế có chung những người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì phải có sự thoả thuận để đăng ký giảm trừ theo nguyên tắc này.

Các trường hợp thuộc diện áp dụng theo thứ tự hướng dẫn trong dự thảo Nghị định gồm: Con (với 3 trường hợp: Dưới 18 tuổi; con bị tàn tật không có khả năng lao động; con đang theo học tại các trường và không có thu nhập); các cá nhân khác như: vợ/chồng, cha/mẹ, ông/bà, cô, dì, chú, bác, anh chị em ruột, cháu ruột phải là người ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức thu nhập quy định.

Theo Dự thảo Nghị định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 48 triệu đồng/năm; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Nguồn: Theo Vietnamnet

 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top