Ðề: Cựu binh dân kế toán
Những chiến sĩ cảm tử thời bình
Phát hiện và xử lý an toàn quả bom nặng trên 1 tấn.(LĐ) - Chiến tranh đã kết thúc trên 30 năm, nhưng trên những cánh đồng hay nương rẫy, thậm chí cả dưới những lòng đường, nền nhà của người dân Tây Nguyên vẫn còn hàng trăm ngàn tấn bom đạn của Mỹ - ngụy "ngủ quên" dưới lòng đất.
Để giúp bà con có đất sản xuất và yên tâm với cuộc sống mới, để các công trình kinh tế, xã hội được xây dựng lên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hùng Vương (Binh đoàn Tây Nguyên) đã không quản hiểm nguy, tìm kiếm phá huỷ trên 70 tấn bom, đạn, giải phóng hàng trăm hécta đất. Họ là những cán bộ, chiến sĩ "cảm tử" dũng cảm phá bom đạn trên những vùng "đất chết".
Vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Chiều chủ nhật, trời nóng như rang. Chiếc xe Uoát đưa chúng tôi xuống chân đèo Mang Yang (Cổng trời), rồi vào đơn vị, hơi nóng toả ra như lửa đốt xung quanh. Như để giải nhiệt, thượng tá Lê Văn Quyên - Đoàn trưởng - đưa chúng tôi đi tham quan một số công trình của đơn vị, dưới bóng những cây phượng vĩ “cổ thụ”, hơi gió từ mặt nước các hồ xung quanh đã nhanh chóng điều hoà được tiết trời nắng nóng.
Thân mật, gần gũi, Đoàn trưởng tâm sự: "Phát huy truyền thống đơn vị 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hùng Vương ngoài phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, còn tham gia rà phá bom mìn, trả lại sự bình yên và màu xanh, hoa, trái cho những vùng “đất chết”.
Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đơn vị hầu hết còn trẻ, chưa qua chiến đấu nên lúc đầu thực hiện nhiệm vụ còn trăn trở lo lắng, nhất là một khi nghe tiếng nổ của bom đạn. Xác định trình độ chuyên môn và tâm lý là hai yếu tố quan trọng, nên trước khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc huấn luyện các khoa mục của chuyên ngành công binh về rà phá bom, mìn, cán bộ cấp trung đội, tiểu đội và chiến sĩ còn được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng máy dò bom, mìn như Valol 1303, MiLat... tín hiệu báo, cách dùng xẻng, thuốn, cuốc chim để đào đất, tháo ngòi nổ, gỡ chốt an toàn, đầu đạn...
Những năm qua đơn vị đã tổ chức dò tìm và phá huỷ an toàn trên 70 tấn bom, đạn, vật liệu nổ các loại, ở địa bàn của 4 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông), và ở Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu công nghiệp Tuy Phước (Bình Định); Mộc Bài (Tây Ninh), An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bản Vẽ (Nghệ An); Attôpư (Lào)...
Đến phân đội 1, thuộc Đoàn Hùng Vương (Binh đoàn Tây Nguyên) đã gần 16 giờ mà tiết trời còn rất nóng. Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt, đại uý Lưu Đình Hiệp - Trợ lý tham mưu - cho chúng tôi biết anh không nhớ nổi đơn vị mình đã rà phá được bao nhiêu quả bom mìn các loại, vì số lượng quá nhiều.
Cái khó và nguy hiểm luôn rình rập tính an toàn hiện nay là các loại bom, mìn và vật liệu nổ đã bị hoen rỉ vì thời gian nằm dưới lòng đất quá lâu. Khi phát hiện, nếu trong thao tác tháo gỡ và tiêu huỷ chỉ cần một động tác bất cẩn, sai quy trình thì hậu quả thật khó lường, không những bản thân mình bị thiệt mà còn ảnh hưởng đến tính mạng đồng đội và nhiệm vụ được giao.
Cũng theo đại uý Lưu Đình Hiệp, dụng cụ mang theo để xử lý là một chiếc xô nhựa đựng một ít cát, một chiếc xẻng và một con dao đeo bên mình. Dò tìm phải bám theo tuyến, tay cầm máy phải nhẹ nhàng đưa đi, đưa lại bàn quét tín hiệu. Các vật liệu nổ được thu gom cẩn thận vào một cái thùng gỗ chắc chắn được lót cát mịn dưới đáy để vận chuyển an toàn về khu vực riêng. Từ đây, một chiếc xe chuyên dụng sẽ vận chuyển các vật nổ về bãi huỷ nổ.
Thiếu uý Trần Quốc Lương kể thêm: “Hôm đơn vị dò tìm ở cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), bọn em dò gỡ được trên 10 tấn bom đạn và các loại vật liệu nổ, trong đó có hai quả bom 500 cân Anh, to và đen trui trũi, chúng chỉ nằm cách mặt đất khoảng 3m. Để tháo gỡ an toàn, chỉ huy đơn vị đã phân công các đồng chí nhiều kinh nghiệm và thống nhất phân loại bom qua ký hiệu, đầu đạn... để xác định phương pháp tháo gỡ...
Lần đầu tiên ngồi trên quả bom to và tiến hành tháo gỡ ngòi nổ, lúc đầu cũng lo lắng, nhưng do đã nắm chắc nguyên lý và tháo gỡ bom đã nhiều nên sau đó vững tâm và đã tháo gỡ thành công hai quả bom này”.
Dò tìm, tháo gỡ bom mìn đã nguy hiểm, nhưng quy trình xử lý huỷ, nổ lại càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Ở những nơi xa dân cư, địa hình cho phép thì tiến hành kích nổ tại chỗ là chuyện bình thường. Còn những nơi phố xá, dân cư đông đúc, việc huỷ nổ bom mìn và các loại vật liệu nổ khó khăn hơn nhiều. Để vận chuyển một lượng lớn bom mìn đến nơi phá huỷ phải đi đoạn đường từ 5 đến 20km, đường rừng lắc lư, xóc xẩy, xe nghiêng phải, nghiêng trái, nếu không làm tốt công tác sắp xếp, bố trí hợp lý mà để phát nổ, hậu quả thật khôn lường.
Những lúc, anh em ngồi sắp xếp các loại bom, đạn vật liệu nổ xuống một cái hố, rồi bố trí lượng nổ phù hợp để kích nổ... mỗi động tác, mỗi giờ phút trôi qua thật hồi hộp, lo lắng... Anh em phải động viên nhau để tập trung tâm trí vào công việc, tránh sai sót. Chỉ khi nào xử lý xong, bãi huỷ nổ được thông báo an toàn, lúc này mọi người mới nhìn nhau sung sướng và thở phào nhẹ nhõm.
Trả lại màu xanh cho những vùng “đất chết”
Cắm trụ đánh dấu phân tuyến rà phá bom mìn. Ảnh: Q.ĐĐến nay, cán bộ chiến sĩ Đoàn Hùng Vương (Binh đoàn Tây Nguyên) đã đi và đã đến rất nhiều miền quê không những trong nước, mà còn đến cả đất bạn Lào để dò tìm và phá huỷ an toàn trên 70 tấn bom mìn vật liệu nổ. Những thôn làng, nương rẫy các anh đi qua, cuộc sống thanh bình của người dân, màu xanh cây trái đã hồi sinh trở lại. Những nhà máy, xí nghiệp mọc lên báo hiệu sự phát triển ngày mai của đất nước.
Thượng tá Nguyễn Như Thảo - Chính uỷ Đoàn Hùng Vương - tâm sự: “Miền Trung – Tây Nguyên là địa bàn trong chiến tranh hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn Mỹ - ngụy dội xuống. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã “làm sạch” được hàng nghìn hécta đất. Nhiều công trình kinh tế, xã hội trọng điểm của đất nước đã được đơn vị dò tìm bảo đảm an toàn trước khi khởi công xây dựng.
Điển hình như: Cửa khẩu Bờ Y, (Kon Tum); thuỷ điện Yaly, An Khê, KNát (Gia Lai); tuyến đường dây 250kW đoạn đi qua các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường tuần tra biên giới, đoạn Gia Lai - Kon Tum; Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu công nghiệp Tuy Phước (Bình Định); thuỷ điện Đồng Nai 3-4 (Đắc Nông); khu kinh tế Attôpư (Lào)...
Không những rà phá bom mìn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã làm tốt công tác dân vận. Giúp bà con thu hoạch lúa mùa, tổ chức cho bộ đội đưa phà chở bà con qua lại sông khi mưa lũ nước dâng cao, chảy xiết chia cắt đôi bờ; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con...
Không giấu được niềm vui, anh Trần Văn Mai cùng vợ là chị Nguyễn Thị Liễu - ở Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai - cho biết thêm:
- Trong chiến tranh, hòng ngăn chặn quân giải phóng chi viện lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược từ hướng Bình Định lên Gia Lai – Tây Nguyên qua đèo An Khê và bộ đội ta đi về tập huấn, bồi dưỡng từ các khu căn cứ cách mạng. Mỹ - ngụy ngày đêm cho máy bay túc trực thả bom, bắn pháo, địa bàn này thực sự trở thành một “cái túi” chứa bom đạn.
Chỉ tay về phía cạnh vườn nhà, chị Liễu nói: “Hôm trước trong lúc cuốc đất trồng mì (sắn), vợ chồng tôi phát hiện hai quả đạn pháo và gần chục quả bom bi của Mỹ còn nguyên vẹn. Sợ quá, chúng tôi lấp lại và tránh xa không dám làm gần đó. Nay nhờ mấy chú bộ đội công binh Đoàn Hùng Vương tháo gỡ và đưa đi phá huỷ giùm, không gia đình tôi phải đóng cửa đi nơi khác.
Theo vợ chồng anh Mai thì bà con ở đây từ người già cho đến trẻ em 7 - 10 tuổi, gần như ai cũng nhìn thấy và biết đạn cối, rốckét, đạn M79, đạn pháo 105... và ít nhất cũng một lần bắt gặp bom bi. Khi thì bắt gặp trên nương rẫy, khi thì ở dưới suối, bên hồ, lúc thì trên những quả đồi sau một trận mưa. Sau ngày giải phóng, không biết bao nhiêu người chết vì bom đạn còn sót lại trong chiến tranh. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng tôi vẫn phải bám trụ lại ở mảnh đất này để sống. Quê hương mà... Từ nay ở đây sẽ không còn bom đạn, bà con tha hồ cuốc đất trồng cây. Cuộc sống của người dân sẽ đổi khác, hai - ba tháng sau có dịp mấy anh quay lại ở đây chỉ có một màu xanh cây trái...”.
Chiều tím mờ, mặt trời đã chen chân xuống phía dưới ngọn núi cao của đỉnh đèo Mang Yang. Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hùng Vương (Binh đoàn Tây Nguyên) với những cái bắt tay như nắm chặt, ánh mắt dỏi nhìn theo của các anh như gửi gắm với chúng tôi: “Niềm tin, sự lớn mạnh, niềm tự hào của một đơn vị ba lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng...”.
Riêng tôi thật sự cảm kích trước những việc làm của họ ở trên “mặt trận không tiếng súng” và hiểu rằng trong sự phát triển của quê hương, đất nước hôm nay có một phần đóng góp công sức và hy sinh thầm lặng của các anh.
(Laodong.com)