Tôi chỉ là một sinh viên đại học, là con gái của một gia đình chỉ còn có hai mẹ con, để giảm bớt gánh nặng cho người mẹ tảo tần nuôi tôi ăn học, tôi cũng đi dạy kèm toán cho vài học sinh cấp 2.
Sáng nay, tôi cũng nhận được một món quà từ một học sinh dạy kèm mà tôi cảm thấy hết sức có nhiều ý nghĩa .
Thời gian gần đây, em học sinh đó đến lớp học kèm với nét mặt buồn buồn, mặc dù vẫn chăm chỉ nghe giảng và làm tốt các bài tập. Qua tìm hiểu, tôi được biết rằng, ở trường bài kiểm tra của em không bao giờ được điểm 10, mặc dù cách giải theo hướng dẫn của tôi hoàn toàn đúng, nhiều khi vẫn ngắn gọn hơn. Khả năng là vì em không học phụ đạo tại lớp dạy thêm của giáo viên trên trường.
Tôi không biết nói gì, chỉ biết an ủi em rằng điểm số là quan trọng nhưng việc học và hiểu bài để nắm vững kiến thức vẫn là chủ yếu.
Mặc dù vậy, tôi vẫn băn khoăn, phải chăng do nền kinh tế thị trường trong cơn bão giá, cuộc sống khó khăn, quà tặng thầy những ngày lễ tết không còn mang ý nghĩa của tinh thần tôn sư trọng đạo nữa mà biến tướng thành một hình thức hối lộ, lo lót cho việc học tập. Một số giáo viên ngày nay đánh giá học sinh bằng vật chất nhiều hơn, học sinh không đi học thêm bị cho điểm kém. Đó đây đăng tin nhan nhản chuyện thầy giáo làm chuyện bậy bạ với học sinh nữ, học trò đánh hay tạt axit thầy giáo, … phải chăng đạo đức học đường đã xuống cấp đến mức báo động.
Nhưng có lẽ chỉ một số ít con sâu đó thôi, chứ cũng không ít tấm gương sáng của những hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm hết lòng lo cho học sinh của mình, đến tận nhà thăm hỏi những em học kém hoặc hoàn cảnh khó khăn bỏ học, vận động để các học sinh nghèo hiếu học được cắp sách đến trường. Các nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú ngày càng nhiếu hơn.
Tôi nhìn món quà là một tờ giấy vở học trò cuộn tròn cột bằng một sợi dây màu đỏ dạng hình một chiếc nơ, lặng lẽ mở ra và rưng rưng nước mắt.
Một bài toán điểm mười.
Vâng, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp hơn và tươi đẹp mãi.
(Theo lời kể của T.T Diệu Hiền, Tài chính 10, DHKT TpHCM)