Bạn có yêu nghề?

thaomar

Member
Hội viên mới
Có những người hạnh phúc tìm được một công việc phù hợp và ổn định, trong khi có những kẻ không thể nào dừng lại trên con đường sự nghiệp của mình. Bạn ở đâu trong viễn cảnh đó. Hãy làm cuộc trắc nghiệm sau.

1. Câu nói nào phù hợp với bạn nhất?

A. Không có công việc, tôi cảm thấy trống rỗng và cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa gì.
B. Tôi làm việc để chi trả các hóa đơn.
C. Sự nghiệp là một phần cuộc sống của tôi. Tôi tìm được sự thỏa mãn và hứng thú từ công việc, cũng như từ các mặt khác của cuộc sống.
D. Tôi đã làm rất nhiều loại việc khác nhau, nhưng chưa tìm thấy công việc nào có thể theo đuổi cả đời.

2. Nếu bị mất việc vào ngày mai, bạn sẽ làm gì?

A. Tôi sẽ không còn lý do để ra khỏi giường vào buổi sáng nữa.
B. Tôi sẽ vui mừng, tôi đang chán công việc hiện tại lắm rồi.
C. Ban đầu, tôi sẽ thất vọng. Nhưng sau đó tôi xem xét lại các lựa chọn của mình, khởi động mạng lưới bạn bè và tung ra kế hoạch tìm việc mới.
D. Có thể ban đầu tôi sẽ thất vọng, nhưng sau tôi lại thấy mình cũng đang muốn tìm một thứ gì mới.

3. Bạn đánh giá kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình thế nào?

A. Nó rất vững chắc. Tôi sẽ không để thứ gì cản trở con đường đạt được mục tiêu của mình.
B. Tôi chẳng có kế hoạch gì cả. Tôi chỉ đi theo những gì mà công việc dẫn tới.
C. Kế hoạch sự nghiệp của tôi giống như một bản vẽ chưa hoàn thành nằm trong một bộ khung định sẵn. Tôi biết tôi sẽ đi đâu, nhưng tôi vẫn linh hoạt và mở rộng tầm nhìn để có được cách thành công tốt nhất.
D. Kế hoạch của tôi là bảo vệ sự tự do ở mức cao nhất có thể và không bị rơi vào sự nhàm chán.

4. Bạn nghĩ gì về việc làm thêm giờ?

A. Tôi thường mải miết làm việc đến nỗi tôi ở lại quá thêm vài giờ.
B. Tôi chỉ làm đúng thời gian quy định, không có chuyện làm thêm giờ với tôi.
C. Tôi chấp nhận đó là điều không thể tránh và đôi khi là một phần thiết yếu trong các công sở ngày nay.
D. Nếu tôi bị buộc ở lại làm thêm giờ quá nhiều, tôi sẽ đi tìm công việc khác.

5. Cách nào miêu tả đúng nhất mối quan hệ giữa bạn và sếp?

A. Tôi muốn công việc của ông ấy. Tiếp đến, tôi muốn công việc của sếp của ông ấy.
B. Tôi luôn cố gắng tránh mặt sếp mình.
C. Sếp của tôi vừa là nhà cố vấn vừa là người quản lý có năng lực.
D. Tôi không quá thân thiết với sếp bởi tôi chẳng ở lại công việc nào quá lâu.

6. Cách nào miêu tả đúng nhất mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp?

A. Nếu họ có thể giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp, tôi sẽ tạo dựng mối quan hệ công việc thân thiết.
B. Tôi không thể sống nếu thiếu họ, đùa cợt với họ giúp tôi vượt qua giờ làm việc.
C. Nhìn chung tôi ưa những người làm việc với mình và thích cộng tác với họ.
D. Tôi không biết họ rõ lắm, nhưng họ có vẻ thân thiện.

7. Một đồng nghiệp dành uy tín trong một dự án mà bạn đảm đương phần chính. Kết quả là người đó, chứ không phải bạn, được cân nhắc thăng chức và tăng lương. Bạn sẽ xử lý thế nào?

A. Tôi sẽ nói chuyện với người có thẩm quyền để đòi công trạng. Chí ít, tôi cũng sẽ gửi một lá thư lên giám đốc điều hành và đòi triệu tập cuộc họp để phân định rạch ròi.
B. Tôi sẽ để người ta được thăng tiến, mặc dù tôi cũng thích có thêm tiền, nhưng thực lòng tôi không muốn vác thêm trách nhiệm.
C. Tôi sẽ có cuộc gặp riêng với cấp trên của mình và giải thích vai trò của mình trong dự án. Nếu đồng nghiệp của tôi vẫn được thăng chức, tôi sẽ cố gắng bỏ qua và tiếp tục công việc.
D. Đằng nào tôi cũng tính đến chuyện đổi việc, nên nó chẳng quan trọng với tôi.

8. Bạn mắc một sai lầm trong dự án. Một thành viên khác trong nhóm phát hiện ra. Bạn phản ứng thế nào?

A. Tôi sẽ mời người ta đi ăn trưa để hy vọng họ không mách với sếp.
B. Lỗi lầm là chuyện thường tình, tôi sẽ biết ơn người bao che hộ mình.
C. Tôi sẽ cảm ơn người ta vì đã phát hiện ra lỗi và cố gắng đảm bảo nó sẽ không xảy ra lần nữa.
D. Lỗi lầm chắc hẳn là một dấu hiệu đã đến lúc phải đi tìm một công việc khác khiến mình hứng thú và chú tâm hơn.

9. Bạn đi nghỉ một chuyến dài ngày. Có tiệm cafe Internet trong khách sạn bạn ở. Bạn sẽ vào kiểm tra công việc như thế nào?

A. Tôi trả lời hầu hết e-mail mỗi ngày để khi về sẽ bớt việc hơn.
B. Không bao giờ.
C. Tôi thỉnh thoảng kiểm tra e-mail để đảm bảo không có gì quan trọng xảy ra.
D. Tôi sẽ gửi e-mail cho người quản lý thông báo rằng tôi đang định trở thành người hướng dẫn lướt sóng và đừng mong đợi tôi trở về sớm.

10. Người bạn đời của bạn chuyển sang một chỗ làm mới cách xa hàng nghìn km. Bạn định thế nào?

A. Tôi sẽ đề nghị duy trì quan hệ đường dài bởi nó sẽ cho tôi thêm thời gian làm việc.
B. Tôi sẽ thông báo thôi việc và bắt đầu thu dọn hành lý.
C. Tôi sẽ tham khảo người chủ về cơ hội làm việc tại địa điểm mới. Nếu không có khả năng, tôi sẽ chỉnh sửa lại kế hoạch sự nghiệp của mình và bắt đầu tìm kiếm công việc ở xa.
D. Tôi không thể chờ đợi thêm nữa để có thể bắt đầu sự nghiệp ở một thành phố mới.

Kết quả:

Nếu hầu hết câu trả lời là A: Hãy cẩn thận, quá nhiều A có nghĩa là bạn quá ám ảnh về công việc của mình. Bạn đặt công việc lên mọi thứ khác, kể cả mối quan hệ với người thân và sức khỏe của mình. Do bạn quá tập trung vào sự nghiệp mà bỏ qua mọi khía cạnh khác của cuộc sống, bạn rất dễ bị suy kiệt. Bạn cũng có thể làm ông chủ và đồng nghiệp xa lánh bởi quá ganh đua. Công việc tập thể cần có sự thúc đẩy nhau, và đôi khi phải chấp nhận sai lầm. Theo đuổi một sở thích, dành thời gian để giao lưu và thư giãn, điều đó sẽ có ích cho công việc của bạn. Bạn sẽ có nhiều năng lượng và sự sáng tạo hơn khi bạn có một cuộc sống cân bằng.

Nếu hầu hết câu trả lời là B: Bạn ở một thái cực đối lập với A. Thực tế, bạn có rất ít niềm đam mê và hứng thú trong công việc đang làm. Đó là lúc phải đánh giá lại mục tiêu và khát vọng của mình. Bạn thực sự muốn làm gì? Khả năng và điểm mạnh của bạn là gì? Thế nào là một công việc hoàn hảo đối với bạn? Điều gì khiến bạn lưu tâm nhất? Nếu bạn có thể trả lời trung thực những câu hỏi này, bạn sẽ có thể xác định được loại việc nào phù hợp nhất với năng lực và giá trị của mình. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu thiết lập một con đường sự nghiệp ưng ý và tìm kiếm công việc mà bạn thực sự yêu thích.

Nếu hầu hết câu trả lời là C: Chúc mừng. Bạn đã may mắn tìm được công việc xứng đáng và thỏa mãn. Bạn yêu nghề mà không đến nỗi bị ám ảnh. Bạn có một cái nhìn lành mạnh giúp bạn xử lý những bất cập trong công việc với thế tự chủ. Bạn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Có được một con đường sự nghiệp rõ ràng cũng giúp bạn học được những kỹ năng mới để phát triển trong sự nghiệp.

Nếu hầu hết câu trả lời là D: Trong công việc, bạn là một người tài tử. Bạn cũng tham vọng và đa tài, nhưng lại không thể ổn định bởi không muốn từ bỏ những cơ hội khác. Nó không hẳn là một tính xấu, rất nhiều người thay đổi công việc vài lần trong đời, nhưng bạn nên đảm bảo những quyết định đó dựa trên sự suy nghĩ thấu đáo, chứ không phải bột phát. Có thể bạn chưa muốn đầu tư cho một công việc bởi bạn chưa xác định được mục tiêu chính của mình. Không ai có thể làm hết mọi thứ, vì vậy hãy cố gắng thu hẹp lựa chọn của mình bằng cách đánh giá lại tài năng và sở thích. Đặt ra những câu hỏi cơ bản, như tôi thích làm việc tập thể hay độc lập? Tôi có sở trường trong toán học, khoa học, ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật, hay kinh doanh.? Sở thích của tôi sẽ dẫn đến một sự nghiệp hay chỉ là một thú vui? Tôi có thể kiếm tiền từ nó được không? Tìm ra câu trả lời sẽ là bước đầu tiên đi đến một chọn lựa dứt khoát.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top