Một bài viết xúc động về mẹ và góc ảnh của nhiều người mẹ trong những ngày dư luận đang bàng hoàng sau cú đánh của một đứa con với người mẹ già của mình…
"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im"
(thơ Tạ Hữu Yên)
(Mẹ Lê Thị Cụt, 81 tuổi, thăm con là liệt sĩ Nguyễn Văn Đây ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM vào ngày Tết Mậu Tý)
“Đôi tay cảm nhận nhịp con thở
Những đêm con sốt cao
Đôi tay lạnh mát đặt lên đầu
Cho con bớt ốm”(thơ Nguyễn Phan Quế Mai)
(Một người mẹ đang vỗ về đứa con bị bệnh... Ảnh chụp tại phòng cách ly Bệnh viện Nhi Đồng 1) - Ảnh: N.C.T.
Trên đời này, ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ. Có thể chúng ta rất không bình đẳng với nhau bởi tiền bạc, địa vị, học vấn, thậm chí cả màu da, nhưng may sao mọi người đều có chút bình đẳng này: có một người mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đều bắt đầu bằng M để gọi người mẹ. Vì âm M ấy là tiếng gọi đầu lòng ngọt ngào, dịu dàng, trìu mến và gần gũi nhất, như mẹ đối với con vậy.
“Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Ảnh chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, một người mẹ đang ấp ủ đứa con sinh thiếu tháng bằng phương pháp kangaroo)
Sau khi video clip về một bà cụ bị đứa con trai già tát tai phát lần thứ hai trên nhà đài, tôi chuyển sang kênh khác. Điều ấy liệu có thật không, tôi chưa rõ, nhưng nó làm tôi bàng hoàng đến mức muốn nhìn thấy hình ảnh gì đó tương phản một chút cho đỡ sốc, cho nguôi ngoai nỗi xót xa trong lòng, vì tôi cũng là một người mẹ.
Tình cờ, trong khi lang thang tìm những hình ảnh khả dĩ an ủi, tôi nhìn thấy cảnh một con voi xiếc trở dạ trên kênh Discovery.Trong cơn thúc đẻ, con voi cái vẫn đứng với một chân bị xích và nó liên tục xoay trở, lắc mình cùng những tiếng kêu rên đau đớn… Vậy rồi một cái bọc lớn tướng từ từ rơi ra, tiếp theo là xối xả máu. Ngay tắp lự, mẹ voi rà cái vòi lăng xăng của mình xuống chú voi con đang ngọ nguậy trong bọc, giữa lúc máu sản vẫn tuôn từng đợt…
Tình mẫu tử hiện ra sống động và thiêng liêng, nó không khác với bất kỳ hình ảnh mẹ con nào, vì cùng một ngôn ngữ của tình yêu thương, sự hi sinh và tận tụy dâng hiến của mẹ dành cho con. Tôi đã khóc...
Rất hay quan sát cảnh sinh đẻ và nuôi con của muông thú, tôi thường liên tưởng đến thời sơ sinh của con người. Không có giống loài nào yếu ớt như con người. Việc đó nói lên điều gì? Nó nói rằng để một con người được lớn lên một cách bình thường thì người mẹ phải mất bao nhiêu máu thịt, công phu và nỗi niềm. Không tính xuể. Cũng chính vì vậy mà người mẹ kỳ vọng ở con mình nhiều nhất: sự thành đạt, hạnh phúc của con và chữ hiếu.
Tại sao người mẹ hay xếp chữ hiếu sau cùng chứ không ở vị trí số một? Đơn giản vì nước mắt chảy xuôi, người mẹ nào cũng nằm lòng phương ngôn ấy cũng chỉ mong con có ăn có mặc, có của có tiền và có hạnh phúc. Mọi thứ ấy con phải khác mình, chúng phải được đổi đời. Còn chữ hiếu cho riêng mình có cũng được, không có mẹ cũng chẳng màng... Như Thanh Nguyên đã viết: Mẹ - có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ...
Ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ, vì vậy mà rồi ai cũng sẽ có một người mẹ già trong tâm tưởng của mình. Cũng như chúng ta rồi sẽ già và chúng ta sẽ là một “vấn đề” trong chữ hiếu của con mình. Mà chữ hiếu bây giờ có vẻ khác xưa. Nghĩa là người ta không cần từ quan để về vườn trông nom cha mẹ già, người ta cũng không thể sống cuộc sống tứ đại đồng đường sum họp, và có khi người ta chỉ có thể thăm nom cha mẹ của mình bằng điện thoại, email hay những phong bì hằng tháng cho nhà dưỡng lão...
Cuộc sống hiện đại đã dắt chúng ta đi xa nguồn cội rất nhiều. Dù vậy chữ hiếu muôn đời cũng không thể khác đi đến mức khiến một người con có thể vung tay tát và thét vào mặt mẹ: “Bà chết đi cho tôi nhờ!”. Nếu quả tình trên đời này đã có một người mẹ nghe được câu nói tàn nhẫn ấy thốt ra từ miệng con, tôi nghĩ ngay từ giây phút đó người mẹ đã “chết” rồi, vì trái tim mẹ đã tan nát...
"Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm
nâu bốn mùa..."
(thơ Nguyễn Duy)
(Một người mẹ đang mưu sinh ở xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)
“Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Nụ cười của hai mẹ con người phụ nữ bán chuối dạo bên đường)
Rồi chúng ta sẽ tiễn mẹ mình một lần trong đời. Một chuyến đi xa không có ngày trở lại. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, má tôi đã ra người thiên cổ năm năm nay rồi... Ai rồi cũng sẽ đến lúc cay đắng ngậm ngùi như tôi khi chiều xuống, đêm về hay giữa khuya giật mình thảng thốt nhận ra mình không còn má để được hầu cơm, hầu chuyện nữa. Không gì bù đắp nổi khoảng trống này. Vì vậy ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, bởi có thể không bao lâu nữa, dù ta có muốn được mẹ la mắng cũng không được nữa rồi.
"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im"
(thơ Tạ Hữu Yên)
(Mẹ Lê Thị Cụt, 81 tuổi, thăm con là liệt sĩ Nguyễn Văn Đây ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM vào ngày Tết Mậu Tý)
“Đôi tay cảm nhận nhịp con thở
Những đêm con sốt cao
Đôi tay lạnh mát đặt lên đầu
Cho con bớt ốm”(thơ Nguyễn Phan Quế Mai)
(Một người mẹ đang vỗ về đứa con bị bệnh... Ảnh chụp tại phòng cách ly Bệnh viện Nhi Đồng 1) - Ảnh: N.C.T.
Trên đời này, ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ. Có thể chúng ta rất không bình đẳng với nhau bởi tiền bạc, địa vị, học vấn, thậm chí cả màu da, nhưng may sao mọi người đều có chút bình đẳng này: có một người mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đều bắt đầu bằng M để gọi người mẹ. Vì âm M ấy là tiếng gọi đầu lòng ngọt ngào, dịu dàng, trìu mến và gần gũi nhất, như mẹ đối với con vậy.
“Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Ảnh chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, một người mẹ đang ấp ủ đứa con sinh thiếu tháng bằng phương pháp kangaroo)
Sau khi video clip về một bà cụ bị đứa con trai già tát tai phát lần thứ hai trên nhà đài, tôi chuyển sang kênh khác. Điều ấy liệu có thật không, tôi chưa rõ, nhưng nó làm tôi bàng hoàng đến mức muốn nhìn thấy hình ảnh gì đó tương phản một chút cho đỡ sốc, cho nguôi ngoai nỗi xót xa trong lòng, vì tôi cũng là một người mẹ.
Tình cờ, trong khi lang thang tìm những hình ảnh khả dĩ an ủi, tôi nhìn thấy cảnh một con voi xiếc trở dạ trên kênh Discovery.Trong cơn thúc đẻ, con voi cái vẫn đứng với một chân bị xích và nó liên tục xoay trở, lắc mình cùng những tiếng kêu rên đau đớn… Vậy rồi một cái bọc lớn tướng từ từ rơi ra, tiếp theo là xối xả máu. Ngay tắp lự, mẹ voi rà cái vòi lăng xăng của mình xuống chú voi con đang ngọ nguậy trong bọc, giữa lúc máu sản vẫn tuôn từng đợt…
Tình mẫu tử hiện ra sống động và thiêng liêng, nó không khác với bất kỳ hình ảnh mẹ con nào, vì cùng một ngôn ngữ của tình yêu thương, sự hi sinh và tận tụy dâng hiến của mẹ dành cho con. Tôi đã khóc...
Rất hay quan sát cảnh sinh đẻ và nuôi con của muông thú, tôi thường liên tưởng đến thời sơ sinh của con người. Không có giống loài nào yếu ớt như con người. Việc đó nói lên điều gì? Nó nói rằng để một con người được lớn lên một cách bình thường thì người mẹ phải mất bao nhiêu máu thịt, công phu và nỗi niềm. Không tính xuể. Cũng chính vì vậy mà người mẹ kỳ vọng ở con mình nhiều nhất: sự thành đạt, hạnh phúc của con và chữ hiếu.
Tại sao người mẹ hay xếp chữ hiếu sau cùng chứ không ở vị trí số một? Đơn giản vì nước mắt chảy xuôi, người mẹ nào cũng nằm lòng phương ngôn ấy cũng chỉ mong con có ăn có mặc, có của có tiền và có hạnh phúc. Mọi thứ ấy con phải khác mình, chúng phải được đổi đời. Còn chữ hiếu cho riêng mình có cũng được, không có mẹ cũng chẳng màng... Như Thanh Nguyên đã viết: Mẹ - có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ...
Ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ, vì vậy mà rồi ai cũng sẽ có một người mẹ già trong tâm tưởng của mình. Cũng như chúng ta rồi sẽ già và chúng ta sẽ là một “vấn đề” trong chữ hiếu của con mình. Mà chữ hiếu bây giờ có vẻ khác xưa. Nghĩa là người ta không cần từ quan để về vườn trông nom cha mẹ già, người ta cũng không thể sống cuộc sống tứ đại đồng đường sum họp, và có khi người ta chỉ có thể thăm nom cha mẹ của mình bằng điện thoại, email hay những phong bì hằng tháng cho nhà dưỡng lão...
Cuộc sống hiện đại đã dắt chúng ta đi xa nguồn cội rất nhiều. Dù vậy chữ hiếu muôn đời cũng không thể khác đi đến mức khiến một người con có thể vung tay tát và thét vào mặt mẹ: “Bà chết đi cho tôi nhờ!”. Nếu quả tình trên đời này đã có một người mẹ nghe được câu nói tàn nhẫn ấy thốt ra từ miệng con, tôi nghĩ ngay từ giây phút đó người mẹ đã “chết” rồi, vì trái tim mẹ đã tan nát...
"Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm
nâu bốn mùa..."
(thơ Nguyễn Duy)
(Một người mẹ đang mưu sinh ở xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)
“Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Nụ cười của hai mẹ con người phụ nữ bán chuối dạo bên đường)
Rồi chúng ta sẽ tiễn mẹ mình một lần trong đời. Một chuyến đi xa không có ngày trở lại. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, má tôi đã ra người thiên cổ năm năm nay rồi... Ai rồi cũng sẽ đến lúc cay đắng ngậm ngùi như tôi khi chiều xuống, đêm về hay giữa khuya giật mình thảng thốt nhận ra mình không còn má để được hầu cơm, hầu chuyện nữa. Không gì bù đắp nổi khoảng trống này. Vì vậy ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, bởi có thể không bao lâu nữa, dù ta có muốn được mẹ la mắng cũng không được nữa rồi.
Nguồn:tinhnho.org
Sửa lần cuối: