6 chiêu gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá thường gặp

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Có nhiều quan niệm khác nhau về chuyển giá, song về cơ bản chuyển giá được hiểu là một hoạt động được sắp đặt trước bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết nhằm làm thay đổi mức giá trong quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản (hoặc bất kỳ đối tượng nào của giao dịch) có sự khác biệt so với giá thị trường.

sau-truong-ho[-chuyen-gia-thuong-gap.jpg
  • Theo điều 7 nghị định 100/2004/N Đ-CP thì trốn thuế là hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.
  • Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240: Gian lận là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong Ban quản trị, Ban Giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện bằng các hành vi gian dối để thu lợi bất chính hoặc bất hợp pháp.

Như vậy, gian lận thuế có thể được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý làm sai lệch- làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm


Các hình thức chuyển giá đang được áp dụng phổ biến trong các DN hiện nay


Kết quả thanh tra của cơ quan thuế cũng cho thấy rằng, cách thức chuyển giá áp dụng ở các DN là khá đa dạng, phức tạp và diễn ra ở nhiều loại hình DN khác nhau


1. Chuyển giá thông qua việc nâng giá trị vốn góp


Các công ty đa quốc thường định giá cao máy móc thiết bị đầu tư ban đầu. Với suất đầu tư ban đầu cao, hoạt động của DN nước ngoài sẽ không có lãi vì chi phí đầu tư cao thì giá thành cũng cao lên cộng thêm chi phí khấu hao hàng năm; qua đó lợi nhuận thấp xuống và làm cho nhà nước thất thu thuế.

Tình trạng nâng giá tài sản góp vốn theo loại hình liên doanh mang lại sự thiệt hại cho cả 3 đối tượng là phía liên doanh góp vốn Việt Nam, chính phủ Việt Nam và cả người tiêu dùng Việt Nam. Bên liên doanh Việt Nam bị thiệt trong phần vốn góp, làm cho tỷ lệ góp vốn nhỏ lại; Chính phủ Việt Nam bị thất thu thuế; còn người tiêu dùng Việt Nam phải tiêu dùng sản phẩm với giá cả đắt hơn giá trị thực tế của sản phẩm.

Do nâng giá trị tài sản góp vốn nên tỷ lệ vốn cao hơn phía Việt Nam, vì vậy bên đối tác nước ngoài thường sẽ nắm quyền kiểm soát và điều hành DN. Đối tác nước ngoài sẽ điều hành công ty theo mục đích của họ để cho tình hình thua lỗ kéo dài và bên liên doanh Việt Nam không đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục hoạt động đành phải bán lại phần vốn góp và hàng loạt các công ty liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

2. Chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ

Ngoài việc nâng giá trị tài sản vốn góp khi tiến hành liên doanh thì các công ty đa quốc gia còn thực hiện việc chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao công nghệ và thu phí tiền bản quyền, đây là một loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao giá trị tài sản cố định vô hình. Một ví dụ điển hình cho hình thức chuyển giá này xảy ra tại Công ty Liên doanh Nhà máy Bia Việt Nam. Khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì tình trạng kinh doanh của công ty bị thua lỗ kéo dài qua các năm, nguyên nhân chủ yếu là do phải trả chi phí bản quyền quá cao và tăng dần qua các năm. Trong tình hình công ty liên doanh thường xuyên thua lỗ, phía liên doanh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng ngược lại phía liên doanh nước ngoài vẫn không ảnh hưởng gì vì họ vẫn nhận đủ tiền bản quyền từ nhãn hiệu và tiền bản quyền lại có xu hướng ngày càng tăng.

Trong các dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam, một số công nghệ đã rất lỗi thời và được bán tự do không thông qua việc đăng ký với Bộ Khoa Học và Môi Trường. Điều này đã dẫn đến tình trạng là Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, lỗi thời trên thế giới. Hậu quả là một mặt gây ảnh hưởng môi trường, đồng thời phía Việt Nam phải trả phí bản quyền chuyển giao công nghệ.

3. Chuyển giá thông qua kê tăng giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào

Thủ thuật chuyển giá phổ biến của các công ty đa quốc gia là việc kê giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm triệt tiêu lợi nhuận. So với các DN trong nước cùng ngành nghề có thể thấy chi phí sản xuất của các công ty đa quốc gia thường cao bất thường.

Để có thể điều chỉnh kết quả kinh doanh của DN lãi thành lỗ thông qua hình thức chuyển giá, các công ty đa quốc không thể làm riêng lẻ mà hoạt động trong cùng tập đoàn hoặc liên kết thành từng nhóm. Từ đó các đơn vị này tự dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận mà không phải bỏ thêm vốn hay mở rộng sản xuất. Với phương thức sử dụng giá giao dịch nội bộ hay còn gọi là giao dịch liên kết, các tập đoàn cũng giảm đi tổng nghĩa vụ thuế trên phạm vi toàn cầu nhằm tăng lợi nhuận sau thuế.

Minh họa cho trường hợp này là trường hợp chuyển giá xảy ra tại Công ty Hualon Corporation, vốn 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Vào Việt Nam từ năm 1993, liên tục gần 20 năm, Hualon đều báo lỗ. Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây lỗ được công ty này kê khai với cơ quan thuế chủ yếu ở việc phải đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí. Cụ thể công ty Hualon kê khai đã nhập khẩu 1 bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài, với giá gần 16 triệu USD.

Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho một công ty khác nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD, với lý do không có nhu cầu sử dụng nên công ty thanh lý tài sản. …

Đặc biệt trường hợp chuyển giá gần đây nhất xảy ra tại công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam).Thủ đoạn của Metro Việt Nam là thực hiện giao dịch liên kết với công ty mẹ (Metro Đức). Số tiền truy thu được xác định do chuyển giá lên đến trên 335 tỷ đồng trong tổng số hơn 500 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu. Hình thức chuyển giá của Metro được cơ quan thuế xác định do khai tăng khoản chi phí nhượng quyền thương mại cho Công ty Metro AG (Đức) số tiền 7.5 tỉ đồng năm 2012-2013; Metro Việt Nam đã cố tình không đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương nhưng vẫn đưa vào hạch toán chi phí này với số tiền 245 tỷ đồng.

Metro Việt Nam nộp thay nhà thầu nước ngoài năm 2012 - 2013 đối với khoản chi lương, thưởng và phụ cấp cho các chuyên gia, lãnh đạo nước ngoài 62 tỷ đồng. Còn lại là các chi phí khác vượt mức qui định như chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo điều kiện thủ tục…

4. Chuyển giá nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường

Các công ty đa quốc gia khi đi vào đầu tư kinh doanh tại một quốc gia thì thường thích liên doanh với một công ty nội địa hơn là vào đầu tư thẳng là công ty 100% vốn nước ngoài. Nguyên nhân là các công ty đa quốc gia này muốn sử dụng hệ thống phân phối và thị phần có sẵn của các công ty nội địa. Sau một thời gian liên doanh thì các công ty đa quốc này sẽ dùng các thủ thuật khác nhau, trong đó có thủ thuật chuyển giá để đẩy công ty nội địa ra và chuyển công ty liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài. Điều này đã xảy ra tại công ty P&G Việt Nam và các công ty liên doanh Coca Cola Việt Nam.

5. Chuyển giá thông qua chênh lệch thuế suất

Các trường hợp chuyển giá được xem xét ở trên là chuyển giá dựa vào sự chênh lệch thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia.


Cá công ty đa quốc gia sẽ lập công ty mẹ hoặc công ty con ở các quốc gia có thuế suất thấp, công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty tại các quốc gia này với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam. Sau đó bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi. Do thuế TNDN tại những quốc gia nơi công ty trú đóng bằng 0 hoặc ở mức rất thấp nên công ty đa quốc gia không phải đóng thuế hoặc thuế rất thấp.

Ví dụ: Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, một DN Hoa Kỳ có thể thành lập một đơn vị kinh doanh ở Singapore do thuế suất thuế TNDN thấp, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam do các điều kiện môi trường ít khắt khe và lao động rẻ hơn.Dựa và hiệp định tránh đánh thuế hai lần nên DN sẽ chọn Singapore để nộp thuế 17% thay vì 22% ở Việt Nam hay khoảng 40% ở Hoa Kỳ bằng cách khai khống chi phí đầu vào nhập khẩu và hạ thấp giá bán đầu ra của nhà máy ở Việt Nam.Kết quả, Việt Nam sẽ bị thất thoát một khoản tiền thuế rất lớn vào NSNN.

6. Chuyển giá ở DN nội địa

Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của nhà nước, không ít tập đoàn kinh tế trong nước đã thành lập một số công ty con hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau để chuyển lợi nhuận trước thuế từ nơi không được ưu đãi thuế sang nơi được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên không theo giá thị trường để giảm thiểu nghĩa vụ thuế của cả tập đoàn.

Hiện tại, tình trạng chuyển giá xảy ra khá phổ biến ở lĩnh vực khai thác mỏ. Nhiều đơn vị khai thác mỏ thành lập 2 công ty độc lập, một công ty chuyên khai thác và một công ty chuyên lưu thông. Công ty khai thác bán sản phẩm cho công ty lưu thông với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường khiến Nhà nước mất một nửa thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều loại thuế, phí khác.

Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt là kinh doanh khách sạn, lưu trú qua đêm cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí. DN hoạt động trong những lĩnh vực này thường khai giá thuê phòng lưu trú thấp hơn thực tế, phần chênh lệch giữa giá thu thực tế và giá khai báo được chuyển cho công ty lữ hành. Quảng Ninh hiện có khoảng 80 DN kinh doanh du lịch với 500 tàu du lịch đưa đón khách tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó có 160 tàu có dịch vụ lưu trú qua đêm trên Vịnh Hạ Long.

Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, khách lưu trú qua đêm phải mua vé với giá 100-120 USD nhưng DN chỉ khai giá 40-60 USD, khiến hàng năm ngân sách bị thất thu không nhỏ từ hoạt động này.

Kết luận

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, vấn đề chuyển giá đang trở thành vấn nạn lớn đối với công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thu thuế của ngành thuế nói riêng. Chuyển giá là hành vi cần phải được ngăn chặn kịp thời, vì gây ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng như gây ra thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng trong nước. Các giải pháp ngăn chặn hành vi chuyển giá trên cũng cần được áp dụng đồng bộ và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế

Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Vân - Khoa Kế toán, Đại học Duy Tân
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top