03 nhầm lẫn khi doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ

Xích Cẩm Tiên

Member
Hội viên mới
Trên thực tế, nhằm nâng cao quyền lợi của người lao động trong công ty, nhiều doanh nghiệp có chính sách mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp thường nhầm lẫn về một số vấn đề như bảo hiểm, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN)…Tiêu biểu là 03 nhầm lẫn được liệt kê ở bài viết dưới đây:

gđ.jpg

1. Doanh nghiệp đã mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ thì không nhất thiết phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Căn cứ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 :

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;”

Do đó, doanh nghiệp sử dụng người lao động (NLĐ) là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc có trách nhiệm phải đăng ký tham gia bảo hiểm cho NLĐ khi ký kết hợp đồng lao động.

Trong trường hợp có nhu cầu, doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ, nhưng bảo hiểm nhân thọ không có giá trị thay thế cho BHXH bắt buộc.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đủ số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

- Doanh nghiệp bị phạt với mức từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng nếu đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Doanh nghiệp bị phạt tiền với mức từ 36% đến 40% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng nếu không đóng BHXH bắt buộc cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

2. Toàn bộ chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Không phải toàn bộ chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ đều được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên chỉ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng đủ những điều kiện sau:

- Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

- Phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

- Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

- Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ (bao gồm cả chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện) không được vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người.

3. Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ không được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC, nếu doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện) có tích lũy về phí bảo hiểm,thì khoản chi này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

- Nếu mua bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam: Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho NLĐ.

- Nếu mua bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì NLĐ chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế khi doanh nghiệp mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần doanh nghiệp mua cho NLĐ khi đáo hạn hợp đồng. Trường hợp khoản phí tích lũy được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích lũy.

Trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm không tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Các bảo hiểm không tích lũy về phí bảo hiểm bao gồm các sản sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.

Căn cứ pháp lý:

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Thông tư 96/2015/TT-BTC.

- Thông tư 92/2015/TT-BTC.

- Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

- Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Theo Kim Hằng
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top