Thu nhập người chịu thuế trung bình 14,2 triệu đồng/tháng

bala

New Member
Hội viên mới
Đó là kết quả điều tra về thu nhập và chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình do Đại học Kinh tế Quốc dân công bố sáng nay. Cuộc thăm dò được tiến hành theo đơn đặt hàng của Tổng cục Thuế và có thể sẽ là cơ sở tham khảo trong quá trình xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân.

Cuộc điều tra được tiến hành từ năm 2005, dựa trên mức thu nhập trong năm 2004 của các cá nhân, hộ gia đình đang thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập. Tổng số phiếu điều tra đã thu hồi và xử lý là 11.532 phiếu, trong đó số hộ kinh doanh 4.696 phiếu điều tra, cá nhân 6.836 phiếu (người nước ngoài 703 phiếu, người VN 6.133 phiếu).

Theo kết quả điều tra, thu nhập bình quân của cá nhân người VN là 170,4 triệu đồng/năm (14,2 triệu đồng/tháng). Trong đó, thu nhập từ công việc chính chiếm 42,7% (72,7 triệu đồng), 19,2% thu nhập từ tự kinh doanh (32,7 triệu đồng), thu nhập từ các hoạt động kinh tế khác chiếm 34,5% (58,7 triệu đồng). Số còn lại 6,3 triệu đồng (3,6%) là các khoản thu nhập khác gồm các việc làm không thường xuyên như xổ số phúc lợi xã hội, quà tặng...

Đối với người nước ngoài, kết quả điều tra cũng cho thấy, thu nhập của đối tượng này vào khoảng 832,477 triệu đồng/năm. Trong số đó, thu nhập từ công việc chính chiếm khoảng 89,6% (745,6 triệu đồng), 7,5% là thu nhập tự kinh doanh (tương đương 62,5 triệu đồng). Thu nhập từ các hoạt động kinh tế khác chiếm 2,4% (khoảng 19,6 triệu đồng), các khoản thu nhập không thường xuyên chiếm 0,57% tổng số thu nhập (4,7 triệu đồng).

Như vậy, thu nhập bình quân của người VN thấp hơn người nước ngoài 4,9 lần và thấp hơn hộ kinh doanh cá thể là 2,23 lần. Kết quả này đã gây ngạc nhiên cho chính những người hoạch định chính sách thuế vì khoản thu nhập của đối tượng chịu thuế thu nhập và thu nhập của đại bộ phần người dân VN chênh lệch quá xa.

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê đã xác định mức thu nhập của người lao động ở khu vực thành thị VN trong năm 2004 mới chỉ đạt 815.100 đồng/tháng, còn ở khu vực nông thôn là 378.000 đồng/tháng.
Ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách Thuế Bộ Tài chính, cho biết, lúc đầu ông cũng hơi "giật mình" với con số thu nhập bình quân 14,2 triệu đồng/tháng của người dân VN do Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra. Bởi nó quá cao so với con số chưa đến 1 triệu đồng/tháng của đại bộ phận người dân mà Tổng cục Thống kê mới công bố.

Theo ông, số liệu điều tra này chỉ tính trên thu nhập của đối tượng chịu thuế nhưng số người nằm trong diện này chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số 80 triệu dân. Tức là khoảng 200.000 người, bao gồm 150.000 người Việt Nam và 50.000 người nước ngoài, đang chịu thuế thu nhập cá nhân. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng kết quả này làm tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân", ông Pháp nói.

Một quan chức có thẩm quyền của Bộ Tài chính tiết lộ, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng như hiện nay bên cạnh việc áp dụng thuế suất hợp lý. Bởi nếu hạ quá thấp mức khởi điểm chịu thuế vô hình trung đối tượng đóng thuế có thể sẽ là tầng lớp lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, với mặt bằng giá cả tăng cao như hiện nay, nếu làm không tốt, thuế sẽ trở thành gánh nặng cho người dân. Chưa kể bản thân cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong quá trình truy thu vì số thuế quá nhỏ.

Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh thẳng vào "cái dạ dày" của người dân, vì thế phương án cuối cùng sẽ được thống nhất sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành khác.

Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng, với thuế suất 10%. Các mức thuế được nâng dần theo thu nhập của đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn với mức thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng, thuế suất áp dụng tương ứng 40%.

Đối với, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì mức khởi điểm chịu thuế là 8 triệu đồng/tháng và với mức trên 80 triệu đồng/tháng mới phải chịu thuế suất 40%.


Minh Khuyên
 
Báo cáo thu nhập cá nhân gây nhiều tranh cãi

Sau khi báo cáo về thu nhập được trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội công bố, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng con số thu nhập trung bình 14 triệu đồng/tháng là quá cao, song cũng có người cho rằng thấp hơn so với thực tế.
> Bình quân thu nhập của người chịu thuế là 14 triệu đồng/tháng \ Ý kiến độc giả về báo cáo thu nhập

Từng làm việc lâu năm trong các tổ chức nước ngoài, một cán bộ của Phái đoàn ủy ban châu Âu tại VN cho rằng, con số 14 triệu đồng/tháng là quá cao. Bởi số lượng người VN làm việc cho các tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức phi chính phủ có mức thu nhập trên 1.500 USD không nhiều, trên 2.000 USD lại càng hiếm hơn. Đa phần có mức lương từ 400 đến 800 USD/tháng.

Phóng viên Hà Nguyễn - một người bám rất sát mảng thuế của một tờ báo có tiếng - khi cầm bảng khảo sát trên tay cũng giật mình. Chị cho rằng, nếu nhìn một cách "thoáng" nhất thì con số đó chỉ khoảng 8 triệu là cùng. Anh Đoàn Xuân, nhân viên một công ty Viễn thông có thâm niên đóng thuế thu nhập cũng cảm thấy con số 14 triệu này có gì đó chưa thật hợp lý. Theo anh, với 200.000 người đang thuộc diện nộp thuế mà chỉ tiến hành điều tra 11.532 người thì con số này chưa thật sự đầy đủ.

thu-nhap.jpg

Có ý kiến cho rằng, với tình trạng trốn thuế hiện nay thì con số 14 triệu đồng/tháng không có gì là quá ghê gớm.
Ảnh: Hoàng Hà



Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu lấy tổng thu nhập chia cho số người chịu thuế để tính trung bình, kết quả sẽ bị những mức thu nhập rất cao hoặc rất thấp làm cho lệch lạc. Ông Trương Sỹ Ánh, đang làm việc cho Chương trình giảng dạy kinh tế trường Fullbright, TP HCM cũng băn khoăn về cách tính trung bình của nhóm nghiên cứu. Theo ông, những người có thu nhập cao phần lớn làm việc ở khu vực đầu tư nước ngoài, và mức chênh lệch lương bổng giữa các vị trí khác nhau rất lớn. Nếu tính mức thu nhập bình quân thì chẳng có ý nghĩa gì, vì chỉ cần vài người có mức thu nhập siêu cao cũng đủ làm cho mức thu nhập bình quân của cả tập thể tăng lên mấy lần.

"Chẳng hạn một xí nghiệp có 2 người - giám đốc và nhân viên. Lương giám đốc là 30 triệu đồng/tháng và nhân viên là 2 triệu đồng/tháng. Và giám đốc sẽ tuyên bố rằng thu nhập bình quân của người lao động trong xí nghiệp là 16 triệu đồng/tháng. Điều này rõ ràng là vô lý", ông Ánh nói.

Trưởng ban nghiên cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Quốc tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần phải tính tới tình trạng phân hóa giàu nghèo đang ngày một rõ rệt. Bởi trong diện chịu thuế, có người thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có người thu nhập trên 2.000 USD/tháng. Do vậy, nếu đưa ra con số trung bình 14,2 triệu này có vẻ chưa thật hợp lý.

Trước những thắc mắc này, ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng nhóm điều tra Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thừa nhận, dù mẫu điều tra được nhóm nghiên cứu tính cho tất cả những người có kê khai về thu nhập, song cũng không tránh khỏi chuyện trong số này có người thu nhập cao, người thu nhập thấp.

Đối tượng nằm trong diện điều tra này lại được chia theo ngành kinh tế, chẳng hạn như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Riêng Hà Nội và TP HCM điều tra thêm các đối tượng nộp thuế là ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên, luật sư và bác sĩ hành nghề độc lập. Với các hộ kinh doanh cá thể, nhóm nghiên cứu chọn địa bàn có số thu lớn và cơ cấu ngành nghề đa dạng để đảm bảo đại diện cho toàn bộ các hộ kinh doanh tại khu vực này. Việc lựa chọn địa bàn điều tra điển hình do các bộ phận quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể của Cục thuế tỉnh, thành phố lựa chọn và trình lãnh đạo Cục thuế duyệt.

Sau khi lựa chọn được địa bàn điều tra, Cục thuế chỉ đạo các chi cục thuế quản lý địa bàn điều tra lập danh sách toàn bộ đối tượng nộp thuế, bao gồm số thứ tự, họ tên chủ hộ kinh doanh, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2004. Sau đó, gửi file dữ liệu này lên cục thuế để tổng hợp và gửi lên Tổng cục thuế để phân bổ mẫu điều tra cụ thể.

"Mẫu điều tra tập trung vào đối tượng là những người đang chịu thuế thu nhập cá nhân, do vậy không thể đại diện cho đại bộ phận người dân mà chỉ giới hạn trong đối tượng đang nộp thuế thu nhập", ông nói.

Theo giới chuyên môn, cách lập luận chưa đủ sức thuyết phục, bởi các phiếu điều tra này phần lớn được phát cho những người nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2004 như ca sĩ, người mẫu và người nước ngoài, hộ kinh doanh cá thể... không thể đại diện cho số đông những người chịu thuế.

Cuộc điều tra này được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện theo đơn đặt hàng của Tổng cục Thuế. Kết quả này sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. "Khi dân số vẫn đang chia thành 5 nhóm thu nhập - chi tiêu khác nhau thì việc cơ quan quản lý dựa vào mẫu 200.000 người để hoạch định chính sách cho hơn 80 triệu người là không thực sự xác đáng", một chuyên gia nói.

Hà Vy - Minh Khuyên
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top