Những đứa trẻ Không có Tết Trung Thu

cuncon_kiss

Đà Lạt thơ mộng....
Hội viên mới
Những đứa trẻ không có Tết trung thu
Thèm một miếng bánh nướng, bánh dẻo, nhớ da diết trung thu nghèo nơi quê nhà với dù chỉ là chiếc ống bơ cắm nến làm đèn ông sao... Những mơ ước vô cùng giản đơn của những đứa trẻ mưu sinh chốn thị thành, bao năm rồi chưa có một niềm vui đón trung thu đúng nghĩa.
Ước mơ… được đi rước đèn ông sao
Tối. Phố Hàng Mã náo nhiệt, chật cứng người và xe qua lại mua sắm đồ chơi Tết trung thu. Đứa trẻ ngồi sau chiếc xe SH gào lên với mẹ: “Con không thích thứ đó đâu, con thích cái mặt nạ siêu nhân kia cơ”. Thằng bé đen nhẻm, tên An (15 tuổi), nhìn theo với ánh mắt ghen tị...
koTT1.jpg

An chưa bao giờ được bố mẹ dẫn đi mua quà trung thu...
Thuyết phục mãi, An mới chịu thủ thỉ trò chuyện vào những lúc không có khách hỏi mua hàng. Lên Hà Nội đã mấy năm nay, không còn ngõ ngách nào ở thủ đô mà cậu bé quê Lý Nhân, Hà Nam chưa đặt chân tới. Trước đây An làm thuê cho cho quán cơm bình dân ở Phùng Khoang, rồi chuyển lên Lương Định Của làm bồi bàn quán ốc, chân gà nướng. “Ở đó em phải thức bán hàng tới 2 - 3h. Hết bưng bê, dắt xe cho khách lại quay vào quét dọn, cọ rửa chén bát. Lương tháng cũng chỉ 700.000 - 800.000 đồng mà hễ làm không được việc là bị trừ lương, chửi mắng thậm tệ. Đầu năm ngoái thằng bạn cùng quê rủ rê đi bán bóng bay giấy thu nhập cao hơn nên em bỏ việc”, An kể.

Cậu bé gầy gò, đặt mẹt hàng là hàng chục chiếc mặt nạ, vương miện công chúa rẻ tiền ở góc đường, không ngừng mời chào khách qua lại. Đôi mắt em liên tục liếc nhìn những đứa trẻ cùng độ tuổi hớn hở theo bố mẹ, ông bà đứng chọn đủ thứ đồ chơi ở cửa hiệu. An chép miệng: “Bọn trẻ này sướng mãi quen rồi, muốn gì được nấy. Từ bé tới giờ em chưa bao giờ được bố mẹ dẫn đi chợ mua quà trung thu. Hồi nhỏ ở quê, tết trung thu bọn em toàn đục ống bơ rồi cắm nến vào làm đèn ông sao thôi. Mấy năm ở Hà Nội cũng chả biết Tết trung thu là gì, cũng thèm mùi bánh nướng bánh dẻo lắm nhưng lại tiếc tiền mua”.

An trọ trong “làng bán dạo” Linh Quang, gần ga Trần Quý Cáp. Tất cả mọi người ở đây đều được ở trọ miễn phí, chỉ phải lo tiền ăn uống hàng ngày. Ai bán mặt hàng gì thì ở trọ trong khu nhà của chủ hàng đấy. Nói là khu trọ cho oai chứ thực ra nó chỉ là chỗ ngủ qua ngày. Nửa đêm, mọi người kéo nhau về, lau qua nền nhà xi măng rồi cứ thế lăn ra ngủ. 6h hôm sau lại hò nhau dậy lấy hàng mang đi bán. Mỗi quả bóng bay to cũng lãi được 2.000 - 4.000 đồng nên nếu đắt hàng thì cũng có ngày kiếm được 100.000, nhưng ngày ít thì đôi ba chục nghìn cũng khó.

Cả tuần nay, cậu xin bà chủ cho lên Hàng Mã bán hàng trung thu vì đã có quá nhiều “chiến hữu” bán bóng bay. Dọc phố Hàng Mã dài chưa đầy cây số, giữa dòng người đang chọn đồ chơi cho con, mấy chục đứa trẻ bán đồ chơi trung thu “rẻ tiền” lấm lét nhìn ngang nhìn dọc, ra sức mời gọi khách mua hàng. Đông nhất là những đứa bán bóng bay giấy vì “bán thứ đó không bị các chủ cửa hàng xua đuổi”. “Toàn là dân tỉnh lẻ trọ ở Linh Quang hết đấy”, An mách.

Cậu bé Nguyễn Văn Cảnh (16 tuổi) với chùm bóng bay giấy trên tay đứng nép mình đầu đường Thuốc Bắc. Mấy hôm nay, Cảnh “ăn trực” 14 tiếng mỗi ngày ở phố Hàng Mã này để bán hàng. “Chỉ được mấy ngày này thôi, xong là tụi em lại trở về với việc bán dạo khắp các phố. Chủ chia địa bàn cả rồi, đứa nào khu vực nấy, không xâm phạm của nhau. Em mới lên đây nên chưa có tiền tích cóp gửi về cho gia đình, chứ thằng An đó hàng tháng vẫn gửi tiền về cho bố mẹ nuôi em ăn học đấy”, Cảnh kể.

Cô bé Lan, quê Hà Nam, góp chuyện: “Đi bán bóng bay giấy thoải mái về thời gian nhưng những ngày mới đi bán dạo tối về nhà đau hết hai bắp chân. Đi mãi rồi quen, mỗi ngày đi vài chục cây số từ sáng tới tận khuya cũng chả vấn đề gì”. Lan trông gầy gò và bé nhỏ như học sinh tiểu học chứ không phải đang ở cái tuổi 17 của mình. Bố mẹ mất sớm, học hết lớp 8, Lan xin nghỉ học ra Hà Nội làm thuê theo mấy người trong xóm để 2 em được đi học. Hỏi về tết trung thu, Lan trầm ngâm: “Em chỉ ước được được dẫn hai đứa em đi rước đèn ông sao với tụi nhỏ trong xóm thôi”.

Thèm ăn bánh nướng, bánh dẻo
Đi dọc đường Phạm Ngọc Thạch rồi rẽ vào phố Lương Định Của, chưa biết dừng lại ở quán nào thì cả chục đứa bé đã chạy ra bám đầu xe: “Anh vào quán em ăn ốc, ngô luộc nhé”. Hai cậu nhóc đen nhẻm, chừng 14-15 nhảy phóc lên xe phi vụt vào trong ngõ, rồi chạy ra đưa chìa khóa cho khách. Vừa tranh thủ lau lại chiếc bàn còn rơi rớt đồ ăn do khách để lại, thằng bé tên Nam, vừa hỏi: “Anh dùng gì, ốc luộc, ngô luộc hay ốc sào, cả rượu luôn nhé?”.

Khách vừa gọi món, Nam gọi vọng vào trong. Một thằng bé khác thoăn thoắt bưng đồ ra, Nam lại chạy ra đường vẫy khách. Nam cho biết ở phố này, trẻ em chủ yếu đến từ Phú Thọ và Tuyên Quang, thường ở độ tuổi 12-16. “Bọn em cũng chỉ làm vài năm thôi, 18 tuổi là đi phụ hồ hoặc làm nghề khác cần tới sức khỏe nhiều chứ làm đây thì không ăn thua, thu nhập thấp lắm”.

Nam giơ ngón trỏ lên rỉ tai: “Chưa được một "củ" (một triệu đồng) mà còn hay bị chủ la mắng, cho ăn bạt tai nếu làm vỡ đồ”. Dứt lời, Nam lại nhào ra đường vẫy khách dù biết chắc khi đó chả có ai dừng lại: “Anh thông cảm, bà chủ phát hiện nói chuyện lâu với khách là chết ngay đấy”.

Những đứa trẻ ở đây đa phần là biết nhau hoặc cùng quê dắt díu nhau lên đây làm. Chủ lo ăn ở, mỗi tháng trả cho từ 500.000 đến 900.000 đồng. Những đứa mới đến làm phải trải qua quá trình thử việc 3 tháng với mức lương khoảng 400.000, làm tốt mới được nhận vào. “Ở đây họ không sợ thiếu người làm. Đứa này đi đứa khác lại tới ngay ấy mà”, Nam kể.

Công việc bận rộn nhất từ buổi chiều đến quá khuya. Phải chuẩn bị nguyên liệu, cọ rửa bàn ghế, chén bát. Quá khuya, bà chủ về nhà thì tụi trẻ cắm cúi vào quét rọn. Công việc chỉ kết thúc khi đồng hồ đã điểm 1-2h.

koTT2.jpg
Những đứa trẻ ít vốn, chỉ "cạnh tranh" ở chợ Trng thu với những thứ đồ chơi rẻ tiền...
Cậu bé tên Lâm tranh thủ kể lúc bà chủ mải thu tiền: “Em và Nam làm ở đây được 3 năm rồi nhưng chả mấy khi để ý trung thu rơi vào thứ mấy vì hôm đó lại bận rộn hơn do khách đi ăn khuya nhiều. Bây giờ thèm một miếng bánh nướng, bánh dẻo quá mà các cửa hiệu ngoài kia bán toàn loại bánh đắt tiền. Ở quê dù khó khăn nhưng vẫn còn được bố mẹ mua cho vài chiếc đèn ông sao, mặt nạ nhựa rẻ tiền và có quà bánh, hoa quả. Bần cùng lắm mới phải bỏ lên phố kiếm miếng cơm anh ạ”.
Bà cụ bán hàng nước đầu phố Lương Định Của thở dài ngao ngán: “Tội nghiệp lũ trẻ lắm. Chúng nó bị bắt làm quần quật cả ngày như thế mà chủ chỉ trả một nhúm tiền lại còn liên tục quát mắng rất thậm tệ. Sau cái dạo con bé dưới Thanh Xuân bị đánh đập dã man lên báo chí, cũng thấy các ông trên phường xuống kiểm tra giấy tờ này nọ nhưng bây giờ thì đâu lại vào đấy cả rồi”.


Theo nguồn: Tintuconline.com.vn
 
Ðề: Những đứa trẻ Không có Tết Trung Thu

Hôm trước xem trên tivi, thấy những đứa trẻ ở Bãi giữa sông Hồng, sống lênh đênh, vất vả và nghèo khó, thấy thương quá. Cuộc sống trên thuyền, phụ thuộc vào con nước. Hic
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top