Cho đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn có thói quen ký kết hợp đồng với các đối tác làm ăn của mình với tên gọi là HĐKT. Thực tế này là hệ quả của việc quy định khái niệm về HĐKT theo Pháp lệnh HĐKT. Các doanh nghiệp này cho rằng, nếu tên của hợp đồng mà khác với cái gọi là HĐKT thì có thể sẽ không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh và vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra, sẽ không có cơ quan thụ lý giải quyết. Có thể nói, đây là một quan điểm lỗi thời, bởi lẽ, quan hệ hợp đồng xét về bản chất chính là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nào đó. Vậy tại sao tên gọi của hợp đồng lại không thể hiện cụ thể nội dung của các giao dịch do các bên ký kết với nhau? Mặt khác, nếu có tranh chấp xảy ra, các cơ quan nhà nước không phải căn cứ vào tên gọi của hợp đồng mà áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp trước tiên phải được xác định thuộc về loại tranh chấp gì, do hệ thống văn bản pháp luật nào điều chỉnh để từ đó có thể xác định chính xác các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ bị tranh chấp, nhằm giải quyết các tranh chấp đúng pháp luật.
Do đó, lời khuyên đối với các doanh nghiệp là khi ký kết một hợp đồng nào đó với đối tác kinh doanh của mình, nên xác định cụ thể nội dung của hợp đồng ký kết mà đặt tên cho hợp đồng. Điều này vừa dễ cho công tác quản lý (do có cơ sở để phân loại hợp đồng theo tên gọi), vừa là cơ sở để các bên có thể tìm hiểu một cách có hiệu quả các quy định của pháp luật về loại hợp đồng với nội dung đó (do đã giới hạn được phạm vi của các văn bản pháp luật điều chỉnh loại quan hệ giao dịch sắp ký kết). Ví dụ, nếu là hợp đồng gia công thì các bên có thể đặt tên cho hợp đồng của mình là “hợp đồng gia công”, mua bán hàng hóa thì ghi rõ là “hợp đồng mua bán hàng hóa”…