Tích cực triển khai các nhiệm vụ tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2015

20150901.JPG


Thu, chi ngân sách kịp thời

Tổng thu NSNN lũy kế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49,8% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó thu nội địa đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,2%), đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây (cùng kỳ năm 2013 đạt 43,3% dự toán, tăng 7,6%; cùng kỳ năm 2014 đạt 52,1% dự toán, tăng 18%). Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (52/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán từ 50% trở lên, trong đó có 15 địa phương đạt trên 60%). Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ 45 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46% dự toán.

Thu NSNN đạt kết quả khả quan, một mặt là do tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì xu hướng ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh của những doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào thu NSNN đạt khá, một số chính sách có tác động làm tăng thu… Mặt khác, các giải pháp quản lý thu đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, công tác chống thất thu được đẩy mạnh qua thanh tra, kiểm tra; tăng cường xử lý nợ đọng thuế kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế...

Công tác chi NSNN 6 tháng đầu năm nhìn chung đảm bảo được nhiệm vụ chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý chi NSNN đã được tăng cường, đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả. Lũy kế chi NSNN 6 tháng đầu năm đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% dự toán, tăng 7,8% cùng kỳ năm 2014; chi trả nợ và viện trợ lũy kế 6 tháng đạt 75,95 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

Tăng cường công tác quản lý giá

Công tác quản lý, bình ổn giá đã được chú trọng, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá. Bộ Tài chính đã chủ động ban hành công văn và phối hợp với các đơn vị chức năng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh rà soát chi phí đầu vào, giảm giá phù hợp; đồng thời, để hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, xăng dầu vào giá thành sản phẩm hàng hóa.

Đảm bảo an sinh xã hội

Cùng với các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, nguồn lực tài chính đã tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững. Trong 6 tháng đầu năm, đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán, đúng chế độ quy định. Xác định và bố trí đủ nhu cầu kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách do giá điện tăng thêm (khoảng 200 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã xuất cấp gần 58.434 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn.

Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan chủ động rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế; đẩy mạnh triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP. Theo tính toán, việc sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư này sẽ giúp giảm trên 30 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.

Với các giải pháp đã triển khai từ đầu năm đến nay, số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được trên 50 giờ (năm 2014 đã giảm được 370 giờ), do đó sẽ đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đề ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với người nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ cùng với việc thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đảm bảo đúng tiến độ.

Thực hiện thắng lợi 10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN để hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2015 đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu; thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... Bên cạnh đó, điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định; điều hành chi thường xuyên chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi trong cân đối NSNN, các khoản chi được quản lý qua NSNN, các khoản chi từ các quỹ tài chính nhà nước, tích cực thu hồi các khoản vay, tạm ứng và thực hiện minh bạch hóa chi tiêu của NSNN.

Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện thành công 10 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (i) Tập trung chỉ đạo xây dựng và nghiên cứu các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm; (ii) Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; (iii) Thực hiện việc tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá; (iv) Tiếp tục củng cố và phát triển đồng bộ các loại hình thị trường; (v) Quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo khả năng trả nợ; (vi) Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; (vii) Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; (viii) Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (ix) Tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; (x) Thực hiện tốt công tác quản lý nội ngành, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, trong đó phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top