1. Hồ sơ điều chỉnh giấy phép :
- Đơn xin điều chỉnh Giấy phép đầu tư;
- Nghị quyết của Hội đồng quản trị Doanh nghiệp liên doanh hoặc thoả thuận của các Bên hợp doanh hoặc đề nghị của Nhà đầu tư nước ngoài về các nội dung xin sửa đổi, bổ sung Giấy phép đầu tư;
- Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện dự án kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư đến thời điểm xin điều chỉnh.
- Các tài liệu khác :
+ Trường hợp chuyển đổi hình thức đầu tư, chuyển nhượng vốn : Hợp đồng chuyển nhượng vốn; Nội dung sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh, Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Điều lệ doanh nghiệp; Tư cách pháp lý, tình hình tài chính của Bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng cho bên ngoài doanh nghiệp .
+ Trường hợp thay đổi, bổ sung mục tiêu hoạt động: Bản giải trình việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động; Ý kiến của Bộ quản lý ngành đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cần khống chế sản lượng mà trong Giấy phép đầu tư đã quy định công suất thiết kế của từng loại sản phẩm.
+ Trường hợp mở Chi nhánh làm cơ sở sản xuất: Bản giải trình việc mở Chi nhánh làm cơ sở sản xuất ; Ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm, mức tiền thuê đất (nếu có) đối với địa điểm dự định đặt chi nhánh làm cơ sở sản xuất; Ý kiến của Bộ quản lý ngành đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cần khống chế sản lượng mà trong Giấy phép đầu tư đã quy định công suất thiết kế của từng loại sản phẩm.
+ Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất Doanh nghiệp : Nội dung sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh, Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Điều lệ doanh nghiệp; Hợp đồng chia tách, sáp nhập hoặc hợp nhất giữa các doanh nghiệp; Giải trình về việc tổ chức lại doanh nghiệp; Các tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất; Các tài liệu khác khi cơ quan cấp Giấy phép đầu tư yêu cầu.
+ Trường hợp cơ cấu lại vốn đầu tư: Giải trình kinh tế - kỹ thuật bổ sung; Các điều kiện tài chính đảm bảo cho việc điều chỉnh vốn đầu tư; Danh mục máy móc, thiết bị bổ sung (nếu có).
Nhà đầu tư lập 3 bộ hồ sơ trong đó có một bộ hồ sơ gốc. Bộ hồ sơ gốc được ký tắt từng trang và ký đầy đủ vào trang cuối. Hồ sơ được lập bằng tiếng Việt (hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng).
2. Nguyên tắc điều chỉnh :
- Cơ quan nào cấp giấy phép đầu tư, cơ quan đó sẽ ra quyết định điều chỉnh. Riêng các giấy phép đầu tư trước đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, nay nằm trong diện phân cấp cho UBND Tỉnh hoặc UBND Tỉnh ủy quyền cho Ban Quản lý KCN cấp giấy phép, UBND tỉnh hoặc Ban Quản lý KCN sẽ cấp giấy phép điều chỉnh cho doanh nghiệp.
- Những trường hợp dưới đây, trên cơ sở đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Tỉnh ra văn bản chấp thuận và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép đầu tư mà không phải điều chỉnh giấy phép đầu tư :
+ Mở chi nhánh giao dịch, văn phòng giao dịch, kho hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm (không sản xuất) tại địa phương.
+ Thay đổi địa điểm trụ sở, địa điểm đầu tư trong phạm vi tỉnh Đồng Nai.
- UBND Tỉnh, Ban Quản lý KCN quyết định điều chỉnh giấy phép đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các trường hợp sau :
+ Do điều chỉnh giấy phép đầu tư mà vượt quá hạn mức vốn đầu tư đối với dự án được phân cấp, ủy quyền.
+ Thay đổi mục tiêu, bổ sung mục tiêu thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, giảm tỉ lệ góp vốn của Bên Việt Nam tham gia liên doanh, giảm tỷ lệ xuất khẩu dưới mức qui định đối với sản phẩm có qui định tỷ lệ xuất khẩu.
+ Chuyển đổi hình thức đầu tư từ doanh nghiệp liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- Những dự án thuộc diện đã phân cấp, ủy quyền, do điều chỉnh giấy phép đầu tư mà trở thành dự án nhóm A , Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý KCN chuyển hồ sơ dự án để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc điều chỉnh và quản lý.!