Scandal chứng khoán: Phản ứng dây chuyền

bichtram

Member
Hội viên mới
Sau những đòn tấn công thuyết phục đầu tiên của báo Wall Street Journal, nhà chức trách Mỹ tiếp tục phát hiện hàng chục công ty khác cũng thực hiện thủ đoạn “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” để làm lợi cho những cá nhân có “máu mặt”. Trong số đó, có những tên tuổi “đại gia” như HealthSouth, Microsoft, Dell, Apple...

Những mờ ám tại Microsoft

Giữa năm 2006, trong hàng loạt vụ bê bối xung quanh vấn đề “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần”, các “đại gia” trong ngành công nghệ thông tin như Microsoft, Apple, Dell cũng không lọt ra khỏi danh sách “có vấn đề” của cơ quan điều tra liên bang. Trường hợp của Microsoft khá nổi bật hơn so với những công ty khác.

Cho đến năm 2003, Microsoft là một trong những công ty phân bổ quyền mua cổ phần cho nhân viên hào phóng nhất nước Mỹ. Vào mỗi tháng bảy từ năm 1992-1999, Microsoft đã cấp “quyền chọn mua cổ phần” với giá thấp nhất trong tháng cho nhân viên của mình. “Gã khổng lồ” này cũng thường xuyên phân bổ quyền mua cổ phần cho các nhân viên mới với giá thấp nhất trên thị trường giao dịch 30 ngày sau khi họ gia nhập công ty.

Tuy nhiên, nhiều chi tiết về ngày tháng của những “quyền chọn mua cổ phần” tại Microsoft lại không được nhiều người biết đến. Các hồ sơ cho thấy Microsoft đã cấp quyền mua cổ phần cho ít nhất là một lãnh đạo của hãng này vào ngày 30/7/1999, thời điểm giá cổ phiếu của Microsoft thấp nhất trong tháng. Sau đó là một lần cấp quyền mua cho các giám đốc ghi ngày 31/1/2000, cũng với mức giá thấp nhất trong tháng.

Những lần phân bổ khác cho nhiều lãnh đạo được ghi nhận vào ngày 6/3 và 24/4/2000 cũng đều có mức giá thấp nhất trong tháng.

Trong những năm tài chính từ 1993-2000, Microsoft đã phân bổ quyền mua mà ngày nay có thể lên đến khoảng 3 triệu cổ phần (do có sự chia nhỏ cổ phần). Người sáng lập Microsoft Bill Gates, CEO trong những năm 1990 và Steve Ballmer, CEO từ tháng 1/2000, đã không nhận bất cứ khoản nào trong số quyền mua đó.

Tuy nhiên vào năm 1992, ba trong số năm lãnh đạo cao cấp của hãng này đã được nhận khoảng 140.000 cổ phần với giá 68 USD/cổ phần. Đây là mức giá thấp vào tháng bảy năm đó và mức giá cao nhất trong tháng lên đến 74 USD/cổ phần. Năm 1994, một lãnh đạo cao cấp của công ty này được cấp quyền mua 150.000 cổ phần với mức giá thấp nhất của tháng bảy là 47,75 USD/cổ phần và đến cuối tháng đó giá của Microsoft đã tăng lên 51,5 USD/cổ phiếu. Điều này có nghĩa là vị lãnh đạo đã bỏ túi thêm 562.500 USD lợi nhuận ngoài những khoản khác.

Giáo sư John Coffee tại Đại học Luật Columbia cho rằng chính sách của Microsoft làm xói mòn tinh thần “trả theo năng lực” của quyền được mua chứng khoán. Vì các lãnh đạo công ty sẽ có thể có một “khao khát cố hữu” là muốn thấy giá cổ phần của Microsoft đi xuống từ ngày 1 đến 31/7 hoặc 30 ngày sau khi bắt đầu làm việc tại hãng này. Cách làm của Microsoft là “ghi trước ngày tháng” hơn là ghi lùi ngày tháng vì những quyền mua được ghi vào thời điểm giá thấp nhất sau ngày 1/7.

Nhưng dù gì đi nữa, Coffee cũng cho rằng hoạt động này không tốt, “chẳng khác nào hoạt động không hiệu quả mà lại đem lại tiền”.

Đối diện pháp luật

Khi vụ scandal “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” bùng nổ tại Mỹ, một số cựu giám đốc hoảng loạn trước viễn cảnh ngồi tù nhiều năm đã lén “chuồn” ra khỏi Mỹ, tìm đến những địa điểm xa xôi với hi vọng cánh tay luật pháp sẽ không vươn dài đến đó.

Mùa hè năm 2006, tại Windhoek, thủ đô Namibia, Wolfgang Balzer - Giám đốc Khách sạn Thule - nhận thấy có điều gì đó không bình thường về gia đình Do Thái có tên Jacobs.

Đến cuối tháng 9/2006, chân dung thật sự của ông Jacob đã bị tiết lộ. Đó là Jacob “Kobi” Alexander, cựu giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ Comverse Technolog Inc, có trụ sở tại New York. Alexander là một doanh nhân gốc Do Thái cực kỳ thành công và từng nhận rất nhiều giải thưởng doanh nghiệp quốc tế có uy tín, trước khi dính líu đến thủ đoạn “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” và bị Chính phủ Mỹ truy nã khi không ra trình diện trước tòa án tại New York.

Câu chuyện về Alexander là một trong những chương kỳ lạ nhất của xìcăngđan “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” dính dáng đến hơn 130 công ty tại Mỹ. Alexander bị tòa án truy tố về 35 tội danh khi chủ mưu thực hiện thủ đoạn “ghi lùi” tại Comverse vào thời điểm giá cổ phiếu xuống thấp, đem lại cho ông ta và các quan chức khác trong công ty hàng chục triệu USD tiền lãi bất chính.

Theo các công tố viên New York, Alexander mua 138 triệu USD tiền cổ phần của Comverse bằng thủ đoạn “ghi lùi”. Đồng thời ông ta còn lừa dối cổ đông công ty khi lập ra một quĩ bí mật được gọi là “I.M Fanton” để trao “quyền chọn mua cổ phần” cho các cá nhân được ưu đãi khác trong công ty.

Những thông tin về vai trò chủ mưu của Alexander trong vụ xìcăngđan “ghi lùi” tại Comverse đã được đăng trên Wall Street Journal từ tháng 3-2006, khởi đầu cho cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tư pháp Mỹ. Đến tháng 5-2006, Alexander xin từ chức tổng giám đốc điều hành và đưa cả gia đình về Israel, để mặc cho các luật sư của ông ta xoay xở với pháp luật.

Ngày 28/7, Alexander mua vé máy bay tới New York. Nhưng hôm đó, thay vì về Mỹ, Alexander bay từ Israel sang Frankfurt (Đức) và “lặn” mất tăm. Khi “biến mất”, Alexander kịp chuyển 57 triệu USD sang Israel, chỉ vài ngày trước khi tòa án Mỹ phong tỏa 48 triệu USD trong tài khoản của ông.

Với việc Alexander chạy trốn, tòa án New York đã quyết định khởi tố hình sự Alexander vì tội *******, giả mạo số liệu tài chính và ra lệnh truy nã. Vào thời điểm đó, Alexander và gia đình bắt đầu đến ở tại khách sạn Thule.

Sau một tháng, tưởng như trời yên biển lặng, ông quyết định ở lại hẳn Namibia. Alexander mua một tòa biệt thự tại Windhoek với giá 543.000 USD, có nhân viên bảo vệ canh gác ngoài cổng 24/24, và một chiếc Toyota Land Cruiser giá 107.000 USD.

Ngày 29/8, Bộ Di trú Namibia cấp cho Alexander visa lao động hai năm, chỉ một ngày sau khi luật sư của ông ta nộp đơn. Phía Namibia thậm chí còn chấp nhận cho Alexander nhập quốc tịch với điều kiện đầu tư ít nhất 43 triệu USD tại đây.

Đến tháng 9/2006, Alexander đã chuyển khoản 17 triệu USD vào Namibia và đầu tư hơn 2,4 triệu vào các dự án đất đai và nhà máy sản xuất ôtô tại đây. Tưởng như Alexander đã trốn thoát được số phận...

Nhưng đến ngày 27/9, Alexander bị cảnh sát quốc tế Interpol bắt giữ khi đang dùng bữa tối cùng gia đình tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Windhoek. Sau một vài lần trì hoãn, tòa án Namibia sẽ chính thức xem xét yêu cầu của Mỹ đòi dẫn độ Alexander về nước vào ngày 8/6/2007. Nếu bị kết án và bị dẫn độ về Mỹ, Alexander sẽ phải đối mặt với bản án 25 năm tù giam và những khoản tiền phạt hàng triệu USD.

Tuy nhiên, đồng tiền của Alexander vẫn có một sức mạnh ghê gớm. Khi bị bắt giữ, Alexander xin giao hộ chiếu Israel cho nhà chức trách Namibia và nộp 700.000 USD tiền tại ngoại. Phía Namibia đòi gấp đôi và Alexander đồng ý. Như vậy là chỉ sau sáu ngày trong nhà giam, Alexander đã được thả với số tiền tại ngoại kỷ lục 1,4 triệu USD.

Theo nhà chức trách Mỹ, cuộc chiến nhằm đưa Alexander ra đối diện với công lý còn nhiều phức tạp bởi luật pháp Namibia chưa xác định được liệu “ghi lùi” có phải là tội hay không.

(Theo Tuổi trẻ)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top