Nợ duyên (phần 3)

hoatigon1981

New Member
Hội viên mới
Tôi rời làng lên thành phố học, cô tôi chỉ gửi tiền đều đặn cho tôi, còn thư từ hay hỏi thăm tôi thì tuyệt nhiên không có. Tôi lờ mờ hiểu có lẽ cô muốn tôi cắt đứt hẳn liên lạc với làng.

Mấy tháng sau, khi tôi đang học thì có người đàn bà nhìn có khuôn mặt có vẻ rất quen đến tìm tôi. Bà đưa cho tôi một lá thư, chính là thư cô tôi, lá thư đầu tiên kể từ ngày tôi đi xa. Trong thư cô viết: “Đây là mẹ của con, từ nay con hãy về với bà ấy nhé. Cô bây giờ đưa tổ tiên vào chùa làng mình rồi, cô cũng dọn vào trong chùa để ở. Từ nay con hãy cắt đứt hết mối dây liên lạc với cô và làng nhé”. Cô tôi đã cương quyết hẳn.

Trong sự thiếu thốn tình cảm người thân, tôi theo người đàn bà về với ngôi nhà của bà. Đó là một ngôi nhà nằm trong thành phố tôi học. Một ngôi nhà có vẻ chật chội trong khu lao động nghèo. Đón tiếp tôi là hai đứa nhóc mang vẻ mặt lỳ lợm và người đàn ông nhầu nhĩ. Người đàn bà nói ngắn gọn:

- Đây chính là bố dượng con và hai đứa em con.

Ông bố dượng tôi nhìn tôi kiểu dò xét. Còn hai đứa em tôi níu lấy túi đồ của tôi và bắt đầu lục lọi. Người mà cô tôi gọi là mẹ đẻ đấy, từ khi tôi đi theo bà cho đến khi tôi bước chân về ngôi nhà của bà, bà vẫn chẳng tỏ thái độ gì với tôi. Điều này khác xa với trí tượng tượng của tôi, tôi nghĩ khi tôi gặp lại mẹ đẻ phải như trên phim ảnh, tôi sẽ lạnh lùng không thừa nhận mẹ còn mẹ tôi khóc lóc van xin tha thứ. Nhưng không, tôi cũng chẳng hiểu tại sao trước vẻ lạnh lùng của bà mà tôi vẫn có thể chấp nhận theo bà về đây. Vì cô tôi, bà tôi chăng? Người ta thưởng lý giải rằng khi có tình máu mủ sẽ tự nhiên thương yêu nhau, nhưng cảm giác tôi với bà sao như một người xa lạ, xa lạ hoàn toàn.

Một lần khi tôi đi học về, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi và dượng tôi to tiếng với nhau trong nhà. Tiếng dượng tôi hằn học:

- Cô vừa phải thôi chứ! Việc cô đưa cái của nợ kia về đây tôi đã chấp nhận. Vậy sao cô còn quá đáng giữ khư khư số tiền kia trong người ?

- Đây không phải là tiền của chúng ta! Tiếng mẹ tôi vẫn vang lên lạnh lùng quả quyết, tôi chưa đến mức đốn mạt giống anh đâu.

Dượng tôi cười to, giọng chế giễu:

- Mẹ gì cái ngữ cô, cô bỏ nó từ lúc còn đỏ hỏn rồi theo bao nhiêu thằng đàn ông, có bao giờ cô nghĩ đến nó không, bây giờ cô còn nói giọng nhân nghĩa.

Tiếng mẹ vang lên khô khốc: - Chính vì lẽ đó mà tôi có bao giờ nói với nó tôi là mẹ nó đâu?

Tôi hiểu, tôi nghĩ tôi đã tìm được mẹ hóa ra là tôi vẫn là đứa không có cha có mẹ. Bà và cô tôi đã thay cha mẹ tôi làm tròn bổn phận với tôi. Tôi xếp va-li lại. Người đàn bà đấy còn cả một gánh nặng gia đình. Cuộc đời với những khó khăn, bất trắc và cả những bất hạnh đã biến bà trở thành con người khác. Sự có mặt của tôi ở đây chỉ làm bà thêm khốn khó mà thôi. Tôi ra đi, người đàn bà không giữ tôi lại. Bà đưa tôi một quyển sổ tiết kiệm nhỏ và bảo, đấy là của cô tôi dành cho tôi, tôi hãy cất đi đợi đến lúc trưởng thành. Còn tiền ăn học cứ hằng tháng bà sẽ gửi vào ngân hàng tôi cứ ra đó mà rút. Tôi từ chối món tiền của bà, không phải vì tôi ghét bà mà tôi thương cho cuộc đời sau này của bà. Lúc tiễn tôi ra đi, bà nắm nhẹ tay tôi rồi quay mặt đi, tôi rất muốn khóc nhưng tôi không thể. Chưa bao giờ tôi khao khát tình cảm người thân như bây giờ, tôi không dám đứng lại lâu, chạy vội đi trong cái nhìn xiêu vẹo của mẹ tôi.

Tôi vào ký túc xá ở và từ bao giờ tôi trở thành kẻ không gia đình. Tôi lao vào học hành và kiếm sống để thực hiện giấc mơ bám trụ lại thành phố này. Nhiều đêm trên chiếc giường tầng ký túc tôi mơ tôi về lại quê, tôi lại được ngụp lặn trong dòng sông quê hương. Cùng chú tiểu đi chợ sắm đồ cho ngày lễ, ngày rằm. Ngồi cho bà vãi vạch tóc bắt chấy, bắt chước thầy trụ trì tụng kinh. Rồi cuộc sống sinh viên bận rộn với học hành và những ước mơ hoài bão tuổi trẻ khiến tôi tạm quên những gì đã từng xảy đến với tôi. Thi thoảng những ngày lễ tết tôi thường nhận được những món quà không rõ tên người gửi, điều đó cũng chẳng khiến tôi quan tâm đến nhiều.

Năm 19 tuổi, tôi được vào vai Thị Màu để diễn vở chèo “Quan Âm Thị Kính” trong hội diễn văn nghệ trường. Lúc phân vai, cậu lớp trưởng phân tôi làm Thị Kính nhưng tôi cứ nằng nặc đổi vai Thị Màu lẳng lơ. Đứng trên sân khấu, nỗi nhớ làng nhớ gành hát chèo ngày xưa khiến tôi tưởng như mình là một Thị Màu đang hát say sưa ở sân chùa làng. Kịch hết, người về, lá phượng rơi thay cho lá đa. Người bạn lớp trưởng cầm tay tôi kéo ra sau ký túc xá sờ lên ngực non của tôi rồi run rẩy: “Làm Thị Màu tớ nhé!”. Một cảm giác mê man lan lên đến tận đỉnh đầu, đôi môi hồng mấp máy, chợt thấy ngực đau nhói. Tôi bừng tỉnh xô ngã bạn rồi bỏ chạy đánh rơi cả xiêm y. Từ đó, thỉnh thoảng ngực nhói đau tôi lại nhớ về ánh mắt nồng nàn và đôi vòng tay mạnh mẽ của người bạn trai ngày xưa.

Học ôn thi, tôi thường lên chùa tìm kiếm sự yên tĩnh. Thấy thầy chùa trẻ tuổi, dễ thương mon mem làm quen:

- A di đà phật! Bạch thầy! Em gặp thầy là quá muộn hay chăng?

Thầy lúc ấy xấp xỉ tuổi tôi lém lỉnh :

- Nhà chùa về với cửa phật lúc 10 tuổi. Khi đó thí chủ có lẽ chưa biết gì. - Tiếng thầy nhẹ nhàng hòa lẫn với tiếng chuông chùa thanh thản và yên bình.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top