Những nét mới trong Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân

bichtram

Member
Hội viên mới
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, hệ thống chính sách thuế Việt Nam đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Đến thời điểm hiện nay Nhà nước ta đang sử dụng 3 sắc thuế đối với một số loại thu nhập đó là thuế thu nhập doanh nghiệp thu vào thu nhập của các hộ, cá nhân kinh doanh, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thu vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của một số người có thu nhập hàng tháng cao hơn mức trung bình xã hội và thuế chuyển quyền sử dụng đất thu vào thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Thời gian qua việc áp dụng những sắc thuế này đã phát huy được tác dụng tích cực, tăng thu cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên theo tiến trình hội nhập quốc tế đang đến gần thì chính sách thuế hiện hành như nói trên đã bộc lộ một số hạn chế, không khuyến khích cá nhân tích cực lao động, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Trước tình hình đó, Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Về cơ bản Dự luật quy định thu nhập chịu thuế trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những quy định hiện hành và bổ sung thêm một số khoản vào diện chịu thuế như: thu nhập từ đầu tư vốn gồm lãi cho vay, lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh; thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản...

Để kiểm soát được sự chuyển dịch tài sản, vừa đảm bảo công bằng xã hội, Ban soạn thảo đã đưa thu nhập từ tài sản thừa kế và quà tặng vào diện chịu thuế. Nhưng để phù hợp với điều kiện thực tế nước ta, dự kiến chỉ đưa vào thu nhập chịu thuế đối với tài sản thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty. Riêng đối với tài sản là nhà, đất chỉ đưa vào diện chịu thuế trong trường hợp người đã có nhà ở nhưng được nhận thêm tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, nhà.

Dự luật dự kiến chỉ thu thuế đối với trường hợp có số lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 4 triệu đồng/tháng (tương đương với mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế) và thu với mức thuế suất thấp (5%). Thu thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ góp phần kiểm soát thu nhập và đảm bảo công bằng giữa các cá nhân có nguồn thu nhập khác nhau. Nếu không đánh thuế vào lãi tiền gửi tiết kiệm, những người làm công ăn lương chỉ thu nhập khoảng 6 - 7 triệu/tháng phải đóng thuế, trong khi người gửi tiết kiệm thu được lãi hàng chục triệu hàng tháng lại không phải đóng thuế là chưa công bằng.

Dự luật cũng nêu rõ khi đánh thuế sẽ có phần giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật, theo đó 3 mức giảm trừ được đưa ra đối với người phụ thuộc đó là: 50% đối với mỗi người phụ thuộc là người tàn tật; 40% đối với mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi; 30% đối với mỗi người phụ thuộc khác. Trường hợp trong gia đình có nhiều người có thu nhập chịu thuế, thì việc tính giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc vào thu nhập chịu thuế của người nào là do gia đình tự lựa chọn và đăng ký theo nguyên tắc: mỗi người phụ thuộc chỉ tính cho một người nộp thuế. Mức giảm trừ cho những người phụ thuộc mà một người nộp thuế phải nuôi dưỡng không vượt quá 10 triệu đồng/tháng (tương đương với trường hợp người nộp thuế nuôi từ 5 -7 người phụ thuộc).

Dự luật quy định hai biểu thuế: Biểu thuế luỹ tiến từng phần và Biểu thuế suất toàn phần. Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công là phù hợp với tính chất của loại thu nhập này, do đây là khoản thu nhập có tính phổ biến, thường xuyên, ổn định của cá nhân trong năm, nên mức thu nhập chịu thuế được xác định theo năm và tạm thu theo tháng.

Thuế suất tính thuế từng bậc thu nhập theo biểu cụ thể như sau:

Đơn vị tính: triệu đồng

Bậc thuế Thu nhập chịu thuế/năm Thu nhập chịu thuế/tháng Thuế suất (%)
1 Đến 48 Đến 4 0
2 Trên 48 đến 72 Trên 4 đến 6 5
3 Trên 72 đến 108 Trên 6 đến 9 10
4 Trên 108 đến 168 Trên 9 đến 14 15
5 Trên 168 đến 288 Trên 14 đến 24 20
6 Trên 288 đến 528 Trên 24 đến 44 25
7 Trên 528 đến 1.008 Trên 44 đến 84 30
8 Trên 1.008 Trên 84 35


Biểu thuế suất toàn phần áp dụng đối với các loại thu nhập từ đầu tư (lãi tiền cho vay, lãi tiền gửi tiết kiệm, lợi tức cổ phần), thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu nhập khác (tiền bản quyền, trúng thưởng xổ số, khuyến mại, trò chơi có thưởng, thừa kế, quà tặng), cụ thể như sau:

Loại thu nhập chịu thuế Thuế suất
- Thu nhập từ đầu tư vốn (lãi cho vay, lợi tức cổ phần và lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh khác; lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 4trđ/tháng).
- Thu nhập từ tiền bản quyền vượt trên 10 trđ/lần phát sinh thu nhập

5%

Thu nhập từ trúng thưởng xổ số, khuyến mại, trò chơi, có thưởng vượt trên 10 trđ/giải thưởng; Thu nhập từ thừa kế, quà tặng vượt trên 10 trđ/lần phát sinh thu nhập
10%
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
- Thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản.
25%


Để thực hiện luật này, thì những người đến tuổi có thu nhập sẽ đều có mã số thuế. Việc tính thuế dựa trên nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp đối với thu nhập từ kinh doanh, từ chuyển nhượng bất động sản, từ quà tặng, thừa kế; còn các khoản thu nhập khác áp dụng biện pháp khấu trừ thuế tại nơi chi trả thu nhập trước khi chi trả thu nhập cho người có thu nhập chịu thuế, cuối năm kê khai quyết toán và ngành thuế sẽ kiểm tra sau. Khi Luật quản lý thuế ra đời sẽ có quy định về đại lý thuế, các đại lý thuế này sẽ giúp rất nhiều cho các đối tượng trong việc kê khai, nộp thuế.

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan ban ngành, dự kiến Dự Luật thuế TNCN sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 9 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào cuối năm 2006.

TH – Website BTC.
(Nguồn: www.mof.gov.vn)
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top