LT - Kiểm toán nội bộ và kiểm toán nhà nước

Đan Thy

Member
Hội viên mới
I. KIỂM TOÁN NỘI BỘ.
1. Bản chất của kiểm toán nội bộ.

Để có thể bảo đảm hợp lý là sẽ đạt được các mục tiêu đã được đề ra, trước hết đơn vị cần phải thiết lập các chính sách và thủ tục kiểm soát, thứ đến phải tổ chức thực hiện các chính sách, thủ tục đã được thiết lập, cuối cùng cần tiến hành kiểm tra và đánh giá việc tuân thủ chúng.
Ở đơn vị có qui mô nhỏ, các hoạt động thường đơn giản hoặc ít phức tạp. Khi đó, để quản lý có hiệu quả, các nhà quản lý các cấp của đơn vị sẽ tự thực hiện việc kiểm tra và đánh giá sự tuân thủ các chính sách, các thủ tục kiểm soát trong đơn vị.
Thế nhưng, khi qui mô của đơn vị lớn đến một mức nào đó, quyền hạn và trách nhiệm sẽ phải được phân chia cho nhiều cấp và nhiều bộ phận. Lúc này, các nhà quản lý khó thể trực tiếp tiến hành việc kiểm tra và đánh giá sự tuân thủ các chính sách và thủ tục kiểm soát. Vì thế, cần phải có một bộ phận chuyên môn để giúp họ thực hiện tốt đieu này, đó chính là bộ phận kiểm toán nội bộ.
Phân tích trên cho thấy bản chất của kiểm toán nội bộ là một bộ phận độc lập trong đơn vị có chức năng kiểm tra và đánh giá đối với những hoạt động của đơn vị nhằm phục vụ cho những mục tiêu của các nhà quản lý.
Vì thế, Qui định về nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ do Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ (IIA)16 ban hành đã định nghĩa kiểm toán nội bộ như sau :
“ Kiểm toán nội bộ là một chức năng đánh giá độc lập được thiết lập bên trong tổ chức, để kiểm tra và đánh giá các hoạt động của tổ chức đó như là một hoạt động phục vụ cho tổ chức”.
2. Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của kiểm toán nội bộ.
Kiểm toán nội bộ ra đời nhằm thoả mãn các yêu cầu quản lý của các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và cả những tổ chức phi lợi nhuận. Một số công trình nghiên cứu cho rằng trước tiên kiểm toán nội bộ hình thành do các nhà quản lý trong những công ty cổ phần nhận thấy rằng việc kiểm toán báo cáo tài chính thường niên do các kiểm toán viên độc lập thực hiện chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.
Vì thế, trong thời kỳ đầu, trọng tâm công việc của kiểm toán viên nội bộ là những vấn đề về tài chính và kế toán. Sau đó, do Ủy ban giao dịch chứng khoán của nhiều nước đòi hỏi các nhà quản lý của các công ty cổ phần có yết giá ở thị trường chứng khoán phải có trách nhiệm cao hơn về độ tin cậy của các báo cáo tài chính được công bố, nên đã dẫn đến sự mở rộng vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ.
Dần dần, vai trò của kiểm toán nội bộ được mở rộng nhằm giúp hoàn thiện các chính sách và thủ tục kiểm soát đối với toàn bộ hoạt động của đơn vị. Họ nhận thấy rằng các báo cáo hoạt động cũng cần phải đáng tin cậy để làm cơ sở cho các nhà quản lý ra quyết định. Những báo cáo này không chỉ biểu hiện bằng thước đo tiền tệ mà còn được biểu hiện bằng các chỉ tiêu khác để cung cấp các thông tin về hoạt động, như là số lượng linh kiện được cung cấp trong kỳ, vấn đề chấp hành kế hoạch, chất lượng sản phẩm ... Cho nên, công việc của kiểm toán nội bộ đã chuyển sang chú trọng vào độ tin cậy của các báo cáo hoạt động, hơn là chỉ kiểm toán bổ sung về tài chính và kế toán.
Ngoài ra, còn có những sự kiện khác cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nghề kiểm toán nội bộ. Chẳng hạn, ở Mỹ, việc ban hành Luật Chống hối lộ ở nước ngoài vào năm 1977 đã làm tăng thêm tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ, bởi lẽ Luật này yêu cầu các công ty phải duy trì một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu.
Đi đôi với sự mở rộng và khẳng định tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ đối với các đơn vị, xã hội cũng đã ngày càng thừa nhận vai trò chuyên môn của kiểm toán viên nội bộ. Chính vì thế, vào năm 1941, IIA đã được thành lập tại New York (Hoa Kỳ) và hiện IIA đã có hơn 50.000 thành viên trên toàn thế giới. Thành viên của IIA còn là các hiệp hội tại những địa phương hoặc các tổ chức nghề nghiệp của các quốc gia.
Để tiêu chuẩn hóa, vào năm 1972, IIA đã bắt đầu thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên nội bộ. Cuộc kiểm tra bao gồm các nội dung :
- Lý thuyết và thực hành kiểm toán nội bộ.
- Quản trị, các phương pháp định lượng và hệ thống thông tin.
- Kế toán, tài chính và kinh tế học. Để được cấp giấy chứng nhận, ngoài việc phải trúng tuyển kỳ kiểm tra, mỗi ứng viên phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm thực hành kiểm toán nội bộ hoặc tương đương, ví dụ như kinh nghiệm kiểm toán trong lĩnh vực kế toán công.
Ngoài ra, trong quá trình hành nghề, mỗi kiểm toán viên nội bộ là thành viên của IIA phải tuân thủ các chuẩn mực thực hành nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của IIA ban hành, cũng như phải luôn tiếp tục tự rèn luyện về mặt nghiệp vụ chuyên môn.
3. Chức năng của kiểm toán nội bộ.
Phạm vi của hai chức năng kiểm tra và đánh giá cho thấy bản chất của kiểm toán nội bộ và luôn gắn liền với những nội dung công việc cụ thể mà họ phải thực hiện. Đó là kiểm tra và đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu của tổ chức, cụ thể là :
- Xem xét về mức độ tin cậy và sự trung thực của các thông tin tài chính và thông tin hoạt động, cũng như phương pháp được sử dụng để ghi nhận, đo lường, phân loại và báo cáo những thông tin đó.
- Xem xét hệ thống được thiết lập có phù hợp với những kế hoạch, chính sách và quy định của đơn vị ; đồng thời xác định mức độ tuân thủ chúng của đơn vị.
- Xem xét phương thức bảo vệ tài sản và sự hiện hữu của những tài sản này.
- Đánh giá việc sử dụng các nguồn lực có tiết kiệm và hiệu quả hay không ?
- Xem xét những hoạt động hoặc chương trình có đáp ứng được các mục tiêu đề ra không ?
4. Kỹ thuật và quy trình kiểm toán.
Để tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về phương pháp và yêu cầu đối với kiểm toán nội bộ được hướng dẫn trong chuẩn mực thực hành nghề nghiệp kiểm toán nội bộ của IIA, bao gồm các vấn đề như sau :
4.1. Lập kế hoạch kiểm toan :
Công việc này bao gồm các nội dung cơ bản sau đây và chúng phải được tài liệu hóa trong hồ sơ kiểm toán :
• Xác định mục tiêu và phạm vi kiểm toán : Xác định mục tiêu kiểm toán là xác định những vấn đề mà cuộc kiểm toán cần đạt được. Còn xác định phạm vi kiểm toán là giới hạn công việc kiểm tra cần thực hiện cho đối tượng.
• Thu thập những thông tin căn bản về các hoạt động của đối tượng kiểm toán : như nghiên cứu báo cáo tài chính, kế hoạch ngân sách, đọc lại hồ sơ kiểm toán kỳ trước ...
• Xác định những nguồn lực cần thiết để thực hiện kiểm toán, như số lượng kiểm toán viên, vấn đề sử dụng chuyên gia …
• Trao đổi với tất cả những đối tượng can biết về cuộc kiểm toán. Chẳng hạn trao đổi với các người quản lý đối tượng kiểm toán về mục tiêu, phạm vi, thời gian kiểm toán …
• Khảo sát thực tế bằng cách quan sát, phỏng vấn … để hiểu biết về những hoạt động, các rủi ro và những quy chế kiểm soát, để xác định trọng điểm của việc kiểm toán và ghi nhận những ý kiến của các đối tượng kiểm toán.
• Lập chương trình kiểm toán sơ bộ.
• Xác định phương pháp, thời gian và những đối tượng sẽ được báo cáo về kết quả kiểm toán.
• Trình duyệt để nhà quản lý cấp cao phê chuẩn các kế hoạch kiểm toán và chương trình kiểm toán.
4.2. Thực hiện kiểm toán :
Đây là giai đoạn kiểm toán viên thực hiện những thử nghiệm để kiểm tra, thu thập những bằng chứng kiểm toán và tập hợp trong hồ sơ kiểm toán.
4.3. Thông báo kết quả :
Khi kết thúc, kiểm toán viên sẽ tổng hợp và đánh giá kết quả, để hình thành ý kiến nhận xét và đề xuất những phương án cải tiến hầu khắc phục những khiếm khuyết đã phát hiện được.
Báo cáo cần được trình bày khách quan, rõ ràng, súc tích, thuyết phục và đúng hạn. Trưởng kiểm toán nội bộ có trách nhiệm phê chuẩn báo cáo kiểm toán và gởi cho các cấp có thẩm quyền và những nơi khác (nếu cần thiết).
4.4. Theo dõi sau kiểm toán :
Nhằm mục đích bảo đảm rằng các nhà quản lý của đối tượng kiểm toán đã thực hiện những biện pháp thích hợp đối với các phát hiện kiểm toán đã được báo cáo.
Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải lập hồ sơ kiểm toán và Trưởng kiểm toán nội bộ phải kiểm tra lại. Các hồ sơ này là cơ sở cho các phát hiện, đề xuất và chứng minh cho ý kiến của kiểm toán viên nên phải ghi chép đầy đủ về các thông tin thu thập được trong quá trình kiểm tra và phải được lưu trữ khoa học.
5. Đặc điểm của kiểm toán nội bộ.
Những vấn đề đã trình bày trên cho thấy hoạt động của kiểm toán nội bộ có những nét tương đồng với kiểm toán độc lập, nhưng loại hình này vẫn có những đặc điểm riêng, đó là :
• Hoạt động kiểm toán nội bộ thường không được quy định bởi pháp luật, nghĩa là không có quy định bắt buộc mỗi đơn vị phải tổ chức kiểm toán nội bộ. • Như vậy, quyết định thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, hoặc Ủy ban kiểm toán hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của Ban giám đốc, hoặc Hội đồng quản trị.
• Bên cạnh đó, Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ ở các nước có thể ban hành các quy chế nghề nghiệp, thế nhưng các quy chế này thường không bị chế định bởi pháp luật.
• Hoat động kiểm toán nội bộ phải mang tính độc lập nhất định. Cụ thể là bộ phận này không được kiêm nhiệm các công việc khác của đơn vị và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc, hoặc Hội đồng quản trị. Chính việc trực thuộc các nhà quản lý cao cấp sẽ tạo điều kiện cho họ thực hiện công việc, chẳng hạn như họ có thể có quyền truy cập không hạn chế vào mọi nguồn thông tin của đơn vị.
6. Kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt nam.
6.1. Sự hình thành kiểm toán nội bộ ở Việt nam.

Để tăng cường quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ áp dụng từ ngày 1/1/1998 theo Quyết định số 832–TC/QĐ/CĐKT ngày 28/10/1997. Tiếp đến, ngày 16/04/1998, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 52/1998-TT-BTC hướng dẫn tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ ở các doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Thông tư này được thay thế bằng Thông tư 171/1998-TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính. Những văn bản trên đã đưa ra những quy định có tính nguyên tắc và hướng dẫn triển khai công tác kiểm toán nội bộ. Điều này đã đánh dấu chính thức về mặt pháp lý cho sự ra đời của hoạt động kiểm toán nội bộ trong các doanh n ghiệp Nhà nước ở Việt Nam.
6.2. Chức năng của kiểm toán nội bộ.
Điều 6 của Quy chế kiểm toán nội bộ quy định kiểm toán nội bộ có ba chức năng là kiểm tra, xác nhận và đánh giá.
Như vậy, nếu so sánh với quan niệm của IIA, ta nhận thấy có thêm chức năng xác nhận. Do đó, vấn đề đặt ra là nên hiểu chức năng xác nhận của kiểm toán nội bộ theo quy chế này là như thế nào ?
Theo chúng tôi, chỉ nên xem xét chức năng xác nhận trong phạm vi áp dụng của Quy chế kiểm toán nội bộ của Việt nam, đó là chỉ áp dụng trong các doanh nghiệp nhà nước, chứ không phải cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Nói cách khác, do người chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước, vì vậy kiểm toán viên nội bộ phải chịu trách nhiệm trước đơn vị và Nhà nước chứ không chịu trách nhiệm đối với các đối tượng khác ở bên ngoài đơn vị.
6.3. Trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán viên nội bộ.
Quy chế kiểm toán nội bộ đã xác định trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán viên nội bộ như sau :
• Trách nhiệm của kiểm toán viên nội bộ (Điều 14).
1.Kiểm toán viên nội bộ thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch kiểm toán đã được Tổng giám đốc hoặc Giám đốc phê duyệt và chịu trách nhiệm trước (Tổng) Giám đốc về chất lượng, về tính trung thực, hợp lý của báo cáo kiểm toán và về những thông tin tài chính, kế toán đã được kiểm toán.
2.Trong quá trình thực hiện công việc, kiểm toán viên nội bộ phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực nghề nghiệp về kiểm toán, các chính sách chế độ hiện hành của Nhà nước.
3.Kiểm toán viên phải khách quan , đề cao tính độc lập trong hoạt động kiểm toán. Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật kiến thức, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
4.Tuân thủ nguyên tắc bảo mật các số liệu, tài liệu đã đượ kiểm toán (loại trừ các trường hợp có yêu cầu của toà án, hoặc nghĩa vụ liên quan đến tiêu chuẩn nghiệp vụ).
• Quyền hạn của kiểm toán viên nội bộ (Điều 15).
1.Được độc lập về chuyên môn nghiệp vụ. Không bị chi phối, hoặc can thiệp khi thực hiện hoạt động kiểm toán và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm toán.
2.Có quyền yêu cầu các bộ phận, cá nhân được kiểm toán và bộ phận có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm toán.
3.Được ký xác nhận trên báo cáo kiểm toán nội bộ do cá nhân tiến hành, hoặc chịu trách nhiệm thực hiện theo nhiệm vụ kiểm toán được giao.
4.Nêu các ý kiến đề xuất, các giải pháp kiến nghị, các ý kiến tư vấn cho công việc cải tiến, hoàn thiện công tác quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa các sai sót gian lận, các việc làm sai trái trong doanh nghiệp ...
5.Được bảo lưu ý kiến đã trình bày trong báo cáo kiểm toán nội bộ, được quyền đề nghị cơ quan chức năng nhà nước xem xét lại quyết định của (Tổng) Giám đốc về bãi nhiệm kiểm toán viên.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top