Kinh tế Việt Nam năm 2016 và những kỷ lục

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
Bất chấp không ít khó khăn, thách thức từ trong nước và quốc tế, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn xác lập thêm những kỉ lục mới.
20141311427807_LGIE.jpg

110.100 doanh nghiệp thành lập mới

Năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục chưa từng có về thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây.

Dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay

Đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Nếu như những năm trước đây thị trường ngoại hối luôn "nổi sóng" trước nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến trong những tháng cuối năm, trong khi nguồn lực dự trữ có hạn thì nay nguồn lực dồi dào hơn và chính sách điều hành linh hoạt hơn đã giúp Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp và điều hòa thị trường ngay mỗi thời điểm có dấu hiệu căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng, đạt được kết quả trên một phần nhờ vào thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì kết quả khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong năm 2016 đạt trên 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,94 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD.

"Được mùa" trái phiếu chính phủ

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2016 liên tiếp lập nhiều kỷ lục ấn tượng: Thị trường sơ cấp ghi nhận mức huy động kỷ lục với con số lên tới 281.000 tỷ đồng. Thậm chí, do nhu cầu thị trường, kế hoạch huy động vốn TPCP cả năm được thay đổi tới 2 lần, từ mức 220 nghìn tỷ đồng lên mức 250 nghìn tỷ đồng và 281 nghìn tỷ đồng. Năm 2016 cũng ghi nhận việc kỳ hạn huy động TPCP trên thị trường sơ cấp liên tiếp được kéo dài. Tính tới thời điểm cuối năm 2016, kỳ hạn vay bình quân TPCP trong năm đạt 8,27 năm, nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục TPCP đạt 5,63 năm. Năm 2016 cũng là năm ghi nhận sự sôi động của thị trường TPCP thứ cấp bởi chưa năm nào, tổng lượng giao dịch TPCP đạt con số khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và giá trị bình quân phiên đạt trên 6.200 tỷ đồng/phiên...

Chứng khoán tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2016 chứng kiến những cú sốc không ai ngờ tới như: TTCK Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6; Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11... Các sự kiện này khiến không ít phiên TTCK giảm mạnh. Tuy nhiên, do nền tảng của thị trường vẫn tốt nên đã phục hồi ngay sau đó. Thậm chí, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ số VN-Index tăng 15%, HNX-Index tăng 0,8%; mức vốn hóa thị trường đạt 1.765 nghìn tỷ đồng, tương đương 42% GDP, tăng 30%; Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.860 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 348 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015...

FDI đạt kỷ lục trên 24 tỷ USD

Năm 2016, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi thêm kỷ lục mới. Theo đó, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến ngày 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%. Theo các chuyên gia kinh tế, có được kết quả này là nhờ môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để ghi điểm trong giới đầu tư trong nước và nước ngoài. Đó là sự thăng hạng của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam và những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo, hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp.

10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam

Lần đầu tiên Việt Nam thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015, là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Theo các chuyên gia, năm 2016 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành Du lịch khi lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại TP. Hội An, Chính phủ tiếp tục chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha). Ngoài ra, năm 2016, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai chiến dịch e-marketting nhằm nâng cao chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam...


Nguồn: Internet
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top