Kinh nghiệm thi tuyển vào PwC

Sinh.pham27

Member
Hội viên mới
1. Hình thức tuyển dụng

Thông thường, bên cạnh Internship Recruitment Programme hàng năm, PwC còn nhận thẳng các thí sinh đạt giải cao tại cuộc thi Talented Auditor Cup – TAC (do CLB Kế toán – Kiểm toán Đại học Ngoại thương tổ chức) vào thực tập.

Tuy nhiên năm nay, chương trình tuyển dụng của PwC kỳ Internship 2018 bắt đầu từ tháng 8, mở đơn sớm hơn 2 BIG còn lại là EY và KPMG. Bên cạnh đó cũng không có thêm cuộc thi hay học bổng nào.


2. Các vị trí tuyển dụng
PwC thường tuyển thực tập 3 vị trí: Assurance Intern, Tax Intern, Advisory Intern.

3. Các vòng thi tuyển
Vòng 1: CV Screening
Để dễ dàng vượt qua vòng “gửi xe” này để làm việc tại PwC, bạn nên lưu ý khi điền application form:

· Không nên sử dụng trình duyệt Firefox hoặc Google Chrome. Thay vào đó là Internet Explorer.

· Điền họ và tên đầy đủ, chính xác như trên Chứng minh thư.

· Không để lại dấu cách trống trên số chứng minh thư.

· Sử dụng tiếng Anh chỉ khi điền vào form.

· Điền thông tin liên hệ một cách cẩn thận.

Đối với CV ứng tuyển, bạn nên giới hạn dung lượng trong 1 trang A4, cụ thể hóa tất cả các hoạt động, kể cả các kinh nghiệm “không tạo ra tiền”. Tỉ lệ loại vòng này thông thường không nhiều.

Ngoài ra bạn cũng cần thể hiện khả năng tiếng Anh của mình ngay ở vòng CV vì PwC nổi tiếng với môi trường làm việc đậm chất quốc tế. Thành tích học tập có thể không yêu cầu quá cao, nhưng tiếng Anh và hoạt động ngoại khóa bắt buộc phải tốt.

Vòng 2: Test
Vòng này gồm 2 phần: Test Online và Test Offline. Các thí sinh vượt qua vòng CV sẽ được gửi email dẫn link đến bài test Online để bắt đầu. Test Online tập trung vào các câu hỏi về IQ, Verbal và Personal Characterisitics, hoàn thành trong 15 phút. Từ năm 2015, PwC Việt Nam bắt đầu đưa các câu hỏi về phân tích số liệu kinh tế vào đề thi. Bài kiểm tra tuyển dụng của PwC được cung cấp bởi CEB’s SHL.

Nếu qua vòng test Online, ứng viên sẽ làm tiếp bài test Offline – viết Essay. Đề Essay của PwC thường xoay quanh các vấn đề xã hội, ít khi về kiến thức chuyên ngành như của EY và Deloitte. Và chủ yếu là để test khả năng tiếng Anh của ứng viên. Thời gian viết Essay là 30 phút.

Bí quyết để vượt qua vòng này là học tốt IELTS Writing task 2.

Vòng 3: Group Assessment
Tất cả các vòng phỏng vấn của PwC đều bằng tiếng Anh. Phỏng vấn nhóm thường diễn ra 10 ngày sau khi test Essay. Bạn sẽ được thông báo qua điện thoại, và thường là khá gấp (1-2 ngày trước khi phỏng vấn).

Tại vòng này, các nhà tuyển dụng của PwC sẽ đánh giá khả năng hợp tác và làm việc nhóm (thông qua thảo luận), cùng sự tự tin và khả năng thuyết trình của ứng viên. Một nhóm có 6 người, thảo luận và thuyết trình về các vấn đề xã hội. Thời gian chuẩn bị cho mỗi nhóm là 30 phút, sau đó thuyết trình trong vòng 15 phút. Group assessment được đánh giá là vòng loại nhiều ứng viên nhất tại PwC.

Để thành công tại vòng này, các bạn không chỉ cần thể hiện được bản lĩnh cá nhân mà còn phải thể hiện được sự hỗ trợ đồng đội, tinh thần đoàn kết của cả nhóm. Leader và người nói nhiều nhất chưa chắc đã là người được lựa chọn, mà là người có sự thể hiện đúng mức nhất.

Vòng 4: Final Interview
Vòng phỏng vấn cuối cùng với 1 Partner và 1 Director. Đây là vòng duy nhất người phỏng vấn của PwC sẽ hỏi bạn các kiến thức liên quan đến chuyên ngành. Đợt Fresh FY16 vừa rồi, vòng Final của PwC đã bắt đầu hỏi về các thủ tục kiểm toán (tài sản cố định, tiền), hoặc sự khác biệt giữa thủ tục kiểm toán doanh nghiệp xây dựng và doanh nghiệp thông thường. Cũng tùy từng ứng viên và chuyên ngành học mà PwC sẽ có những câu hỏi khác nhau. Các bạn cần bình tĩnh, trả lời chậm mà chắc để không bị sót thủ tục và không bị giám khảo vặn vẹo nhiều.

Bên cạnh đó, vòng này cũng đòi hỏi ứng viên phải nói tiếng Anh thật tốt và tư duy logic sắc bén. Nếu vượt qua vòng này, bạn đã thành công trở thành thực tập sinh và được làm việc tại PwC rồi.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI PWC VIỆT NAM
1. Môi trường làm việc
Theo báo cáo của mạng nghề nghiệp Alphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2016, PwC lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trên các tiêu chí: môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng, chế độ phúc lợi… Văn phòng của PwC với tông màu chủ đạo là cam trắng tươi sáng cũng được đánh giá là sang trọng, chuyên nghiệp và tiện nghi cho công việc.


2. Văn hóa làm việc tại PwC
Điểm nổi bật nhất của PwC là có rất nhiều du học sinh làm việc. Các “sếp” ở PwC cũng rất nhiều người nước ngoài nên yếu tố đa văn hóa là bản sắc riêng của công ty. Điều này cũng có thể dễ dàng nhận thấy qua logo của PwC.

PwC Việt Nam là thành viên của PwC SEAPEN bao gồm Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào. Vì thế nên nhân viên PwC Việt Nam có rất nhiều cơ hội làm việc chung với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác. Bên cạnh đó, mỗi năm công ty luôn cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc Malaysia để nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm.

3. Mặt trái và thách thức khi làm việc tại PwC
Theo chia sẻ của chị Hoa Dinh, từng làm Assurance Associate tại PwC Việt Nam, thì PwC là một “môi trường tốt, chuyên nghiệp, thân thiện, đãi ngộ, cơ hội học hành rất tốt”.

Tuy nhiên, nghề kiểm toán lại “vô cùng vất vả, các anh chị vào mùa bận làm việc overtime tới tối muộn và thứ bảy, chủ nhật là chuyện bình thường để kịp deadline. Nếu sức khỏe, sức chịu đựng của bạn không tốt thì… Tớ nhớ có hôm chủ nhật sau bữa cơm chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi thôi mà vẫn lóc cóc xếp đồ để tối hôm đó đi xuống khách hàng. Ra đường thì trời mưa tủi thân vô cùng, có hôm còn không tụ tập được với nhóm bạn thân, đứa bạn đi du học về cũng chỉ gặp được một tẹo.

Làm kiểm toán thì phải đánh đổi một số thứ. Nhưng mà những gì bạn học được, sự năng động, mới mẻ, cơ hội học tập của công việc thì không thể chê được. Bạn nào muốn theo nghề kiểm toán thì xác định trước nhé.”

Chị cũng chia sẻ thêm: “Nếu các bạn không muốn làm kiểm toán có thể apply vào Tax, ít phải đi hơn mà vẫn làm việc trong môi trường rất tốt của PwC.”

Lương thưởng tại PwC
Một số anh chị đi trước cũng nhận xét về lương làm việc tại PwC nói riêng cũng như BIG4 nói chung là không hề cao. Nếu so với ngân hàng thì lương cứng BIG4 chỉ cao hơn một chút ở những vị trí mới đầu. Nhưng nếu tính cả “thưởng” và “lậu” thì ngân hàng cao hơn nhiều. Dân kiểm toán sau một thời gian làm ở BIG4 nhiều người hay nhảy ra làm tại các ngân hàng cả.

Lựa chọn làm việc tại PwC nói riêng và BIG4 nói chung chắc chắn đòi hỏi bạn phải sẵn sàng cho kì thi tuyển không hề đơn giản cũng như những nỗ lực nhất định khi chính thức làm việc.

Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về PwC Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top