Hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Trao đổi về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung tham khảo và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất về xu hướng phát triển hệ thống thanh toán quốc gia theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả và ổn định hệ thống tài chính quốc gia.

thanh-toan-khong-dung-tien-mat_FGMV.jpg

Tạo hành lang pháp lý cho thanh toán điện tử và thẻ


Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua công nghệ thông tin và viễn thông đã có sự phát triển mạnh mẽ. Điều nay đã hỗ trợ cho hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ như thế nào đối với ngành ngân hàng?

Ông Nguyễn Kim Anh: Trong thời gian qua, nhờ có hạ tầng viễn thông tốt, với tốc độ truy cập cao đã tạo tiền đề cho việc phát triển thanh toán, đem lại tiện lợi cho người sử dụng. Theo đó, phần lớn các ngân hàng đã triển khai giải pháp ngân hàng di động và ngân hàng số, qua đó cung cấp dịch vụ tài chính, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn đến khách hàng.

Cùng với đó, nhiều thiết bị di động được trang bị công nghệ xác thực sinh trắc học tiên tiến như nhận dấu vân tay, mạch máu, mống mắt... đã tạo nên sự an tâm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ.

Công nghệ cũng đã giúp phát triển, tiếp thị và cung cấp dịch vụ trực tiếp đến khách hàng nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong thanh toán đã sử dụng công nghệ số hóa thẻ dùng thanh toán trên web và di động.

Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech cũng đã giúp tạo ra một môi trường năng động, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều sản phẩm dịch vụ mới. Ngày càng có nhiều người dùng dịch vụ, tin tưởng hơn với việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng trong năm 2016, số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 125 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 7,2 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt trên 97 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 303 nghìn tỷ đồng. Đến nay, có khoảng 70 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 TCCUDVTT cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Để tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ ngày càng hoàn thiện thì việc bảo đảm hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN ngày càng hoàn chỉnh, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, tương đồng với quốc tế.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ cho thanh toán điện tử, thanh toán thẻ đã có bước phát triển theo hướng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới theo yêu cầu của thị trường.

Việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán đã được NHNN chỉ đạo sát sao, cũng như sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức trung gian thanh toán và các bên có liên quan.

Đến nay, hệ thống thanh toán tại Việt Nam được vận hành an toàn, hiệu quả và khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ thanh toán tại Việt Nam.

Tăng nhanh thiết bị chấp nhận thẻ

Ông có thể cho biết cụ thể hơn những tiến triển về cơ sở hạ tầng và công nghệ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ đến nay?

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của nền kinh tế, tính đến cuối năm 2016 đã kết nối được với 322 đơn vị thành viên, gồm 64 đơn vị thành viên thuộc NHNN, 258 đơn vị thành viên thuộc 99 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong năm 2016, trung bình mỗi ngày hệ thống này xử lý khoảng 323.000 món với giá trị gần 177.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN đã có quyết định nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng áp dụng theo các thông lệ, chuẩn mực, tiến bộ về thanh toán và công nghệ của các nước phát triển trên thế giới, bảo đảm phù hợp với lộ trình độ công nghệ thông tin của các ngân hàng Việt Nam.

Cùng với đó, hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống ngân hàng lõi (core banking) được các ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư, cập nhật và phát triển. Một số ngân hàng thương mại cũng đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại, như Tokenization, sử dụng mã QR xác thực sinh trắc học...

Đến cuối tháng 12.2016, toàn quốc có trên 17.400 ATM và hơn 263.400 POS được lắp đặt. NHNN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM/POS trên phạm vi toàn quốc.

Xin ông cho biết, mục tiêu phát triển các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại của ngành ngân hàng?

NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện dựa trên các trụ cột quan trọng và toàn diện của hệ thống thanh toán quốc gia, đặc biệt nhấn mạnh tới việc tham khảo và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất về xu hướng phát triển hệ thống thanh toán quốc gia theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả và ổn định hệ thống tài chính quốc gia.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt.

Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại giai đoạn 2016 - 2020, với 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Xin cảm ơn ông!

Theo daibieunhandan.vn
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top