Hệ thống các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động doanh nghiệp xây dựng

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động cho thấy, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra khá nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến sự ra đời của những mô hình đo lường khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay, những mô hình đo lường hiệu quả hoạt động được doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng đưa vào sử dụng rộng rãi, thường là những mô hình bao gồm cả các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Từ những hạn chế về đo lường trong thực tế và lý thuyết, bài viết đề xuất hệ thống đo lường hiệu hoạt động phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Tổng quan các mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp

Tại các doanh nghiệp (DN) xây dựng Việt Nam, hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động đang tồn tại những hạn chế nhất định. Về mặt thực tế, hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động của các DN xây dựng hiện mới chủ yếu bao gồm các chỉ tiêu về mặt tài chính, trong khi có rất nhiều góc độ phi tài chính cần được quan tâm để lột tả rõ, để đánh giá chính xác hiệu quả. Về mặt lý luận, các nghiên cứu về hiệu quả hoạt động trong các DN xây dựng cũng thiên về mặt tài chính, còn nếu có đề cập tới mặt phi tài chính cũng chỉ ở mức đề xuất chủ quan cá nhân chứ chưa có nghiên cứu nào đi khảo sát và phân tích theo phương pháp nghiên cứu mới hiện nay để tìm được hệ thống đo lường phù hợp.

Trên thế giới, trong một thời gian dài, các nhà quản lý đã dùng đánh giá tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Phần lớn các kỹ thuật và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh doanh dựa trên khía cạnh về tài chính mà hiện nay sử dụng được phát triển vào đầu thế kỷ 20 (Kennerly & Neely, 2002). Trong đó, nổi bật nhất là mô hình DuPont (còn gọi là phương pháp Dupont hoặc kim tự tháp chỉ tiêu phân tích tài chính), được xây dựng và sử dụng từ những năm 1903 của thế kỷ trước (Neely và cộng sự, 1999, tr 14). Đây là một hệ thống đo lường hoàn chỉnh về khía cạnh tài chính có cấu trúc phân cấp rõ ràng, trong đó thể hiện rõ về kết quả DN đạt được và yếu tố cho phép nhà quản lý tìm biện pháp để cải thiện hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu tài chính. Đến nay, mô hình Dupont vẫn là nền tảng đánh giá hiệu quả về khía cạnh tài chính mà khó có mô hình nào có thể vượt qua được.

Trên thực tế, khi môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi, việc đánh giá hiệu quả kinh doanh chỉ dựa vào hiệu quả tài chính lại nhận được sự chỉ trích vì được coi là biện pháp chậm mô tả kết quả của các hành động quản lý, các quyết định quản trị. Ngày nay, các nhà quản lý đòi hỏi sự cập nhật thông tin, tầm nhìn chiến lược hướng tới tương lai và sử dụng chủ yếu các chỉ tiêu phi tài chính để đưa ra quyết định tốt hơn. Nhưng thay vì lựa chọn một trong hai, nhiều mô hình khác nhau đã phát triển gồm cả các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính bổ sung cho nhau.

Bảng điểm cân bằng (BSC) của Kaplan và Norton (1996) cũng đưa ra cách tiếp cận mới về quản lý chiến lược và đo lường hiệu quả hoạt động. Neely và cộng sự (2001) cho rằng, nhiều người đã hiểu sai về mục đích của đo lường và vai trò của chiến lược. Theo mô hình này, đích đến là sự đóng góp và sự hài lòng của các bên liên quan, còn chiến lược là con đường đi kết hợp với quy trình và năng lực để đi đến đích. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và đã đưa ra được một số mô hình phù hợp với ngành Xây dựng. Mô hình của Egan (1998 ) đưa ra “Suy nghĩ lại về xây dựng” và từ mô hình này, chương trình thực hành xây dựng đã phát triển và đưa ra các chỉ số hoạt động quan trọng (CBPP-KPIs), cho phép các DN xây dựng hoạt động theo điểm chuẩn để nâng cao năng suất của ngành xây dựng (Cox và cộng sự, 2003). Các chỉ số này bao gồm đo lường hiệu quả của cả dự án và DN.

Kagioglu và cộng sự (2001) đề xuất một mô hình khái niệm về quy trình đo lường hiệu quả hoạt động cho các DN xây dựng (PMPCF) bằng việc nghiên cứu sâu hai tình huống. Mô hình này phát triển dựa trên mô hình bảng điểm cân bằng nhưng thêm vào hai khía cạnh là dự án và khía cạnh nhà cung cấp để phù hợp với ngành Xây dựng. Nghiên cứu của Arditi và Lee (2003) dựa trên mô hình giải thưởng quốc gia Malcolm Baldrige (MBNQA) đã phát triển đo lường chất lượng dịch vụ xây dựng bằng cách gửi bảng câu hỏi điều tra. Beatham và cộng sự (2004) đã thiết kế một hệ thống đo lường hiệu suất cho DN xây dựng trên cơ sở mô hình xuất sắc của châu Âu - EFQM và KPIs thông qua phương pháp nghiên cứu tình huống.

Trên các nguyên tắc của Bảng điểm cân bằng và EFQM, Bassioni và cộng sự (2005) đã thực hiện 11 cuộc phỏng vấn và nghiên cứu sâu 5 tình huống để xây dựng một mô hình khái niệm để đo lường tính hiệu quả trong xây dựng. Đây là một mô hình toàn diện cho các DN xây dựng để đánh giá hiệu quả kinh doanh: Đánh giá hiệu quả dựa trên hiệu quả bên trong, bên ngoài DN; Hiệu quả cả về mặt dự án lẫn hiệu quả về mặt tổ chức của DN (bao gồm cả yếu tố tài chính và phi tài chính).

Trong khi đó, Poh Tin Hiap và cộng sự (2006) đã dùng các khía cạnh trong mô hình BSC để xây dựng nên hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN xây dựng. El- Mashaleh và cộng sự (2006) đã kiểm tra tác động của công nghệ thông tin đối với hiệu quả DN và tìm thấy một liên kết tích cực giữa chúng. Yu và cộng sự (2007) thông qua phỏng vấn và gửi câu hỏi khảo sát đến 34 DN đã phát triển một hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động cho DN xây dựng bằng cách sử dụng các khía cạnh trong Bảng điểm cân bằng. Với việc vận dụng mô hình BSC, S. Thomas Ng (2007) trong nghiên cứu của mình đã đưa ra các chỉ tiêu đo lường hiệu
quả hoạt động cho các nhà thầu phụ.

Namho Kim và cộng sự (2007) cũng dựa trên mô hình BSC để đưa ra các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý hoạt động cho các DN xây dựng Hàn Quốc. Luu và cộng sự (2008 ) cũng dựa trên bốn khía cạnh của mô hình BSC để đưa ra các chỉ tiêu đo lường chiến lược thông qua phương pháp phỏng vấn và nghiên cứu một tình huống. Zeynepisik (2009) trong nghiên cứu của mình thông qua câu hỏi khảo sát đã đưa ra hệ thống đo lường bao gồm các yếu tố quyết định sự thành công của DN xây dựng các yếu tố bên ngoài, quan hệ đối tác, quản lý dự án, nguồn lực của DN, chiến lược cạnh tranh, hiệu quả dự án và hiệu quả tổ chức. Horta và cộng sự (2010)
đã phát triển một phương pháp đánh giá hiệu quả tổng thể DN thông qua câu hỏi khảo sát tại 22 DN. Mohamed Hegazy và cộng sự (2012) thông qua khảo sát đến 100 công ty xây dựng và top 50 công ty tư vấn xây dựng được tạp chí uy tín bình chọn để đưa ra 11 chỉ tiêu thuộc 5 yếu tố để đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty xây dựng tại Anh. Sarhan và cộng sự (2013) bằng việc gửi đi 198 và thu về 140 bảng câu hỏi đã phân tích ra được ba yếu tố phi tài chính vô cùng quan trọng trong các DN xây dựng ở Anh là: Sự an toàn, sự hài lòng của khách hàng và chất lượng...

Nhìn chung, các mô hình đo lường trong các nghiên cứu thời gian gần đây chủ yếu bắt nguồn từ mô hình BSC, EFQM và BMNQA đồng nghĩa với việc các nghiên cứu đang chấp nhận hệ thống đo lường cần bao gồm cả các tiêu chí tài chính và phi tài chính. Thậm chí, cuộc khảo sát của Robinson và cộng sự (2005) chỉ ra rằng, việc đo lường bằng KPIs, BSC và EFQM đang là xu hướng thịnh hành trong ngành Xây dựng. Rõ ràng là mức độ phổ biến của những mô hình đo lường nói chung đã ảnh hưởng rất lớn đến các ứng dụng trong xây dựng, nhưng nó không có nghĩa là các mô hình khác phù hợp hơn với bối cảnh xây dựng không được áp dụng trong thực tế và nghiên cứu.

upload_2017-5-23_9-52-35.png

Các nghiên cứu về hiệu quả hoạt động trong ngành Xây dựng tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng nghiên cứu của thế giới, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Các nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng đã hoàn thiện được những chỉ tiêu về mặt tài chính, mà điển hình nhất là trong nghiên cứu của PGS., TS. Nguyễn Ngọc Quang (2002). Bên cạnh đó, thông qua câu hỏi khảo sát Nguyễn Thị Thanh Hải (2013) trong nghiên cứu của mình đã đánh giá thực trạng đo lường hiệu quả của các DN xây dựng giao thông đường bộ, từ đó đã đề xuất
mô hình đo lường hiệu quả hoạt động dựa trên BSC. Trong hướng nghiên cứu đánh giá dự án xây dựng, các nghiên cứu cũng đã đánh giá hiệu quả của dự án công, dự án lớn, dự án nói chung, dự án theo phương thức thiết kế thi công (Lưu Tường Văn, Nguyễn Chánh Tài, 2012; Nguyễn Duy Long và cộng sự, 2004; Hoàng Thái Sơn, 2008; Đặng Ngọc Châu, 2011).

Thực tế trên cho thấy, ngành Xây dựng ở Việt Nam cần có hệ thống đo lường hiệu quả kinh
doanh về cả mặt tài chính và phi tài chính, đặc biệt là ở cấp độ DN. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động cho các DN là chưa rõ ràng. Các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh mới chỉ mang tính chất đề xuất dựa trên quan điểm cá nhân chứ chưa chứng minh được các chỉ tiêu đo lường đưa ra có thực sự phù hợp với bối cảnh ngành Xây dựng Việt Nam.

Đề xuất mô hình và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu các mô hình hiệu quả hoạt động trên thế giới và kinh nghiệm nghiên cứu hiệu quả hoạt động của thế giới, của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng có thể nhận thấy ưu điểm của một số mô hình. Qua sàng lọc nghiên cứu từ những mô hình trên, tác giả đã phát triển ra một mô hình đo lường hiệu quả hoạt động sơ bộ cho các DN xây dựng Việt Nam bao gồm các chỉ tiêu đo lường thuộc cả hai khía cạnh tài chính và phi tài chính.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu lựa chọn phương pháp phỏng vấn sâu chuyên gia với sự góp mặt của 15 chuyên gia, đồng thời cũng là các nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng nhằm mục tiêu kiểm tra và sàng lọc các biến đã đưa ra từ mô hình lý thuyết ban đầu và xác định quan hệ giữa các biến. Trong đó, gồm 12 nhà quản lý DN xây dựng, được lựa chọn kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính đại diện dựa trên một số tiêu chí như: quy mô DN đang công tác, kinh nghiệm làm việc trình độ học vấn. Bên cạnh đó, có 3 đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số các đối tượng phỏng vấn đều cho rằng các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của DN không nên chia thành 2 nhóm tài chính và phi tài chính mà nên chia thành nhiều nhóm nhỏ. Việc sắp xếp đặt tên các nhóm dựa trên tổng quan lý thuyết và góp ý của các đối tượng phỏng vấn đã đưa ra 6 nhóm, bao gồm: Nhóm các chỉ tiêu về Khả năng sinh lời; Nhóm các chỉ tiêu về Quy trình nội bộ; Nhóm các
chỉ tiêu về Đánh giá của khách hàng; Nhóm các chỉ tiêu về Khả năng thanh toán; Nhóm các chỉ tiêu về An toàn lao động; Nhóm các chỉ tiêu về Cán bộ nhân viên. Cuộc phỏng vấn cũng cho thấy, cần loại bỏ bớt một số chỉ tiêu cũng như sửa chữa câu từ của một số chỉ tiêu cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Từ ý kiến của các chuyên gia, trong 52 chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động đề xuất ban đầu thì kết quả phỏng vấn sâu đã loại bớt còn lại 28 chỉ tiêu được thể hiên rõ trong bảng 1.

Tóm lại, nghiên cứu hệ thống hiệu quả hoạt động là chủ đề nghiên cứu phổ biến trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành Xây dựng Việt Nam, các nghiên cứu vẫn tồn tại những hạn chế và cần phải tiếp tục được khai thác tiến hành nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho các DN xây dựng Việt Nam có được cái nhìn rõ nét hơn về một hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động chung cần thiết cho đặc thù ngành xây dựng, từ đó có thể vận dụng vào DN để cải thiện việc đánh giá hiệu quả cho DN của mình tiến đến sự phát triển bền vững.

ThS. Lê Hồng Nhung - Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ cao Sao Nam
 

Đính kèm

  • Chỉ tiêu đo lường.rar
    7.2 KB · Lượt xem: 309

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top