Được hưởng chế độ ốm đau tối đa bao nhiêu ngày

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Ông Văn Năm (Vũng Tàu) hỏi: Anh tôi sinh năm 1966, có 19 năm đóng BHXH, bị tai biến mạch máu não, phải nghỉ việc để chữa bệnh, hưởng trợ cấp BHXH từ tháng 5/2015 đến nay. Vậy, anh tôi được hưởng chế độ ốm đau đến khi nào, mức hưởng bao nhiêu và nếu muốn nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động có được không?

2016-duoc-huong-che-do-om-dau-bao-nhieu-ngay.jpg

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Theo thứ tự 110, 111, 112 Mục IX Bệnh hệ tuần hoàn trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ Y tế thì các bệnh cần chữa trị dài ngày liên quan đến tuần hoàn não (mạch máu não) gồm: xuất huyết não; nhồi máu não; đột quỵ không rõ nhồi máu não hay xuất huyết não.

Trường hợp anh của ông Văn Năm bị đột quỵ (tai biến biến mạch máu não) liên quan đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não có thể gây ra yếu nhẹ nửa người hoặc liệt hoàn toàn nửa người (liệt hẳn một bên cơ thể) là một loại bệnh cần chữa trị dài ngày theo Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 34/2013/TT-BYT.

Trợ cấp ốm đau

Trước ngày 1/1/2016, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 của Luật BHXH năm 2006, được hướng dẫn tại Mục 1 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH sửa đổi Khoản 2 Mục I Chế độ ốm đau, Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày được tính như sau: Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó:

- Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau: Bằng 75% đối với thời gian tối đa là 180 ngày trong một năm; Bằng 65% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên; Bằng 55% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; Bằng 45% đối với trường hợp hết thời hạn 180 ngày trong một năm mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

- Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính theo tháng dương lịch.

Trường hợp có ngày lẻ thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/26 ngày x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó:

Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này.

Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

- Người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, sau 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị, mà khi tính có mức hưởng chế độ ốm đau trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở).

Kể từ ngày 1/1/2016, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 2, Điều 26, với mức hưởng quy định tại Điều 28 Luật BHXH năm 2014, như sau:

Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau 180 ngày (nêu trên) mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với trường hợp tiếp tục điều trị sau 180 ngày được quy định như sau: Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên; Bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; Bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

Theo Điều 22 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành đang hưởng chế độ ốm đau trước ngày 1/1/2016 và từ ngày 1/1/2016 vẫn đang hưởng trợ cấp ốm đau thì được tiếp tục thực hiện chế độ ốm đau theo các quy định trước ngày 1/1/2016.

Trường hợp anh của ông Văn Năm mắc loại bệnh phải điều trị dài ngày được hưởng trợ cấp ốm đau 180 ngày (6 tháng) bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Sau 180 ngày mà anh của ông Văn Năm vẫn phải nghỉ việc để điều trị thì được hưởng bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì đã có thời gian đóng BHXH 19 năm. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Điều kiện được nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Theo Điểm 2.2, Mục 2, Bảng 2 - Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh, tật ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Liệt nửa người mức độ vừa, tỷ lệ tổn thương từ 61 – 65%
- Liệt nửa người mức độ nặng, tỷ lệ tổn thương từ 71 – 75%
- Liệt hoàn toàn nửa người, tỷ lệ tổn thương 85%

Anh của ông Năm sinh năm 1966 đến năm 2016 đủ 50 tuổi. Nếu kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động kết luận anh của ông Năm liệt hoàn toàn nửa người thì tỷ lệ tổn thương là 85%, đối với nam đủ 50 tuổi là đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, nhưng thời gian đóng BHXH của anh ông Năm mới có 19 năm, còn thiếu 1 năm nữa mới đủ điều kiện 20 năm đóng BHXH theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH.

Căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5; Điểm e, Khoản 1, Điều 9 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Theo đó anh của ông Năm có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho 1 năm còn thiếu cho đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, mức hưởng lương hưu hàng tháng của anh ông Năm tính theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 sẽ thấp hơn nhiều mức hưởng trợ cấp ốm đau.

Có thể hưởng BHXH một lần

Căn cứ quy định Điều 60 Luật BHXH năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội, anh của ông Năm có thể yêu cầu hưởng BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp người anh của ông Năm, cần phải tiên lượng sức khỏe, thời gian sống để lựa chọn hưởng trợ cấp ốm đau, hay BHXH một lần, hay đóng BHXH thêm 1 năm để nhận lương hưu sao cho phù hợp và có lợi nhất.

Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top