Doanh nghiệp mất hơn 1.000 giờ để đóng thuế

TTHT

New Member
Hội viên mới
Doanh nghiệp mất hơn 1.000 giờ để đóng thuế

Mỗi năm, doanh nghiệp trong nước vẫn mất 1.050 giờ đóng thuế, trong khi con số tương tự ở Singapore chỉ là 84 giờ. Thủ tục hành chính vẫn rườm rà đã góp phần kéo Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh.
33.jpg


Ngân hàng Thế giới cho rằng thủ tục hành chính rườm rà là yếu tố cản trở đáng kể trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà

Đánh giá trên đây được Ngân hàng Thế giới (WB) nêu ra trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2010 công bố sáng nay tại Hà Nội. Dựa vào việc đánh giá 10 chỉ số bao gồm thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tuyển dụng, đăng ký tài sản, tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp, WB đã tính toán ra bảng xếp hạng độ thân thiện về môi trường kinh doanh của 183 nước.

Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam có hai lĩnh vực được cải cách đáng kể là thuế và thương mại quốc tế. Trong năm qua, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống còn 25% và thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai được loại bỏ. Ngoài ra, Việt Nam áp dụng thêm một số thủ tục hải quan, thúc đẩy giao dịch thương mại qua biên giới. Nằm trong cam kết gia nhập WTO, thời gian xuất nhập khẩu đã giảm xuống 2 ngày so với trước.

Song xét về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 93 về môi trường kinh doanh thân thiện, tụt 1 bậc so với năm ngoái và tụt 6 bậc so với báo cáo công bố năm 2007. Một phần vì có thêm 2 nền kinh tế tham gia vào bảng xếp hạng năm nay, song thứ hạng của Việt Nam vẫn bị kìm hãm do thủ tục hành chính quá rườm ra, gây mất thì giờ cho doanh nghiệp.

Trong 10 chỉ số đánh giá, Việt Nam có 5 chỉ số bị xếp hạng trên 100. Trong đó, tệ nhất là chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư (thứ 172), kế đến là nộp thuế (147). Trung bình một doanh nghiệp ở Việt Nam mất trung bình 1.050 giờ riêng cho việc đóng thuế. Con số này ở Singapore, nước đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, chỉ là 84 giờ. Chỉ số giải thể doanh nghiệp, Việt Nam cũng không được đánh giá cao, xếp hạng thứ 127. Trung bình mỗi doanh nghiệp mất 5 năm để hoàn tất thủ tục "khai tử". Ở Hong Kong, doanh nghiệp chỉ mất 1,1 năm và ở New Zealand, con số này rút lại chỉ còn 9 tháng.

WB đánh giá việc thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam tương đối phức tạp với 11 thủ tục, với hơn một tháng rưỡi. Trong khi đó, New Zealand và Canada chỉ cần một thủ tục và ở khối OECD chỉ cần chưa đầy hai tuần là có thể cấp phép. Với riêng chỉ số này, Việt Nam tụt 8 bậc, đứng thứ 116 trên tổng số 183 nước, so với thứ hạng 108 trên 181 nước hồi năm ngoái.

Chỉ tiêu Chỉ tiêu
Thành lập doanh nghiệp (xếp hạng) 116 Bảo vệ nhà đầu tư (xếp hạng) 172
Thủ tục (số lượng) 11 Mức độ công khai thông tin (0-10) 6
Thời gian (ngày) 50 Mức độ trách nhiệm của thành viên HĐQT (0-10) 0
Chi phí (% thu nhập trên đầu người) 13,3 Độ dễ dàng các cổ đông có thể kiện (0-10) 2
Vốn tối thiểu (% thu nhập trên đầu người) 0,0 Mức độ bảo vệ nhà đầu tư (0-10) 2,7
Nộp thuế (xếp hạng) 147 Giải thể doanh nghiệp (xếp hạng) 127
Số lần đóng thuế (trong một năm) 32 Thời gian (năm) 5,0
Thời gian (số giờ một năm) 1.050 Chi phí (% tài sản) 15
Tổng số thuế phải trả (trên % lợi nhuận) 40,1 Tỷ lệ thu hổi (cent trên 1 USD) 18,0
Năm nay, các quốc gia khác tung ra nhiều cải cách để chống chọi với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. "Những nước bị tụt hạng như Việt Nam không hẳn do môi trường kinh doanh xấu đi, mà có thể số lượng cải cách chưa nhiều bằng các nước khác", bà Sylvia Solf - Giám đốc chương trình cho biết.

Bà Sylvia Solf cho rằng thứ hạng chỉ là sự tương đối. Trong mối quan hệ với sự thay đổi về số lượng các nước tham gia khảo sát, từ 178 nước năm 2008 lên 181 năm 2009 và 183 nước trong năm nay, thì sự tụt hạng này phần nào được giải thích.

Trong danh sách năm nay, Singapore lần thứ tư liên tiếp giữ vị trí quán quân nhờ những nỗ lực liên tục trong cải cách môi trường kinh doanh. Các vị trí tiếp theo thuộc về New Zealand, Hong Kong, Mỹ và Anh.

Đông Á Thái Bình Dương là khu vực đa dạng thứ hạng, từ Singapore đứng thứ nhất đến Lào xếp vị trí 167. Indonesia là nước có cải cách nhiều nhất khu vực, nhảy 7 bậc từ 129 lên 122. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, World bank cho rằng Indonesia cùng hai nước Trung Quốc và Việt Nam cần đơn giản hóa nhiều hơn nữa các thủ tục hành chính.

Báo cáo Môi trường kinh doanh được thực hiện lần đầu tiên cách đây 8 năm. Từ đó đến nay có thêm 50 nền kinh tế được bổ sung. Báo cáo năm nay được công bố vào thời điểm khá đặc biệt, khi thế giới kỷ niệm 1 năm ngày hệ thống tài chính rơi vào khủng hoảng và các nền kinh tế chủ chốt vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.

30 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh thuận lợi theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới:
30.JPG


Thanh Bình

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/09/3BA13417/

Ý kiến của [you] như thế nào về bài báo trên?
 
Sửa lần cuối:

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top