Các vướng mắc thường gặp về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

TT Thanh Qúy

Member
Hội viên mới
Thuế điện tử là thuế mà doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước thông qua hình thức nộp trực tuyến. Thuế điện tử (eTax) là hệ thống tích hợp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử vào 01 hệ thống duy nhất qua website ngoài ra còn bổ sung một số tính năng nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong giao dịch điện tử với Cơ quan thuế.

Nộp thuế điện tử là dịch vụ cho phép người nộp thuế lập Giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cơ quan Thuế và được Ngân hàng Thương mại xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế tức thời.

Bài viết này chia sẻ đến các bạn đọc một số vướng mắc thường gặp về giao dịch thuế điện tử, các bạn cùng tham khảo nhé.

42.jpg


1. Tài khoản giao dịch thuế điện tử là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC về tài khoản giao dịch điện tử thì:

Tài khoản giao dịch thuế điện tử là tên và mật khẩu đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được cơ quan thuế (sau đây gọi tắt là – CQT) cấp cho người nộp thuế để thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và tra cứu các chứng từ điện tử.

Trong đó: gồm 01 tài khoản chính và tối đa không quá 10 tài khoản phụ. Tài khoản chính được CQT cấp cho người nộp thuế sau khi người nộp thuế đăng ký giao dịch với CQT. Tài khoản phụ do người nộp thuế đăng ký thông qua tài khoản chính để phân quyền thực hiện theo từng dịch vụ.

2. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử khi giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế? Chứng từ điện tử này có được sửa đổi hay chuyển đổi sang chứng từ giấy hoặc ngược lại được không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC về chứng từ điện tử thì:

Chứng từ điện tử theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 110/2015/TT-BTC có giá trị như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy. Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc nếu được thực hiện bằng một trong các biện pháp quy định tại Điều 5 của Nghị định 165/2018/NĐ-CP.

Chứng từ điện tử được sửa đổi theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 165/2018/NĐ-CP và có thể chuyển đổi sang chứng từ giấy hoặc ngược lại theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 165/2018/NĐ-CP.

3. Thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử là khi nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC về thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử thì:

Thời điểm xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử là ngày ghi trên thông báo của CQT gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi là - tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN).

Đối với từng loại hồ sơ thì ghi trên các thông báo khác nhau, cụ thể nhau sau:

- Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử.

- Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử.

- Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: ghi trên Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử.

- Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử.

4. Ngày nộp thuế được xác định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC về thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử thì:

Ngày nộp thuế điện tử là ngày hệ thống thanh toán của ngân hàng/cơ quan kho bạc nhà nước trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế/người nộp thay và được ghi nhận trên chứng từ nộp thuế điện tử theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 84/2016/TT-BTC.

CQT hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN có trách nhiệm gửi Thông báo về việc xác nhận nộp thuế điện đến người nộp thuế chậm nhất 15 phút sau khi nhận được thông báo từ ngân hàng xác nhận nộp thuế điện tử thành công hoặc lý do nộp thuế điện tử không thành công, trừ trường hợp nộp thuế điện tử qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 của Thông tư 110/2015/TT-BTC.

5. Trong thời gian Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thì giải quyết như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC thì trường hợp này được xử lý như sau:

Người nộp thuế nộp hồ sơ trong ngày tiếp theo liền kề ngày Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp tục hoạt động, trừ trường hợp nộp hồ sơ giấy. Hồ sơ thuế, chứng từ điện tử nộp trong thời gian này là đúng hạn.

Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại CQT hoặc qua đường bưu chính, nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thì các cơ quan thực hiện tiếp nhận và giải quyết cho người nộp thuế theo quy định.

6. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế bản giấy không khớp với bản điện tử thì xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC thì:

Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế bằng bản giấy không khớp đúng với hồ sơ điện tử và thông tin trên hồ sơ bằng bản giấy đầy đủ, chính xác, CQT giải quyết theo hồ sơ giấy và trả kết quả ĐKT cho người nộp thuế để tạo thuận lợi cho người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ điện tử.

7. Thế nào là hồ sơ đăng ký thuế điện tử không còn hiệu lực?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC thì:

Hồ sơ đăng ký thuế điện tử đã nộp không còn hiệu lực nếu sau thời hạn trả kết quả đăng ký thuế 30 ngày kể từ ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ mà người nộp thuế không đến CQT hoặc đến nhưng không có văn bản nêu rõ lý do để thống nhất với quy định về đăng ký doanh nghiệp bằng điện tử.

Ngoài ra, CQT cũng không phải theo dõi kết quả xử lý hồ sơ đăng ký thuế điện tử nhưng người nộp thuế không đến nhận kết quả.

8. Trường hợp hồ sơ thuế điện tử đã gửi có sai sót thì xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 15, Điều 1 của Thông tư 66/2019/TT-BTC thì:

Việc xử lý sai sót, tra soát và điều chỉnh thông tin thu nộp thuế được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Thông tư 84/2016/TT-BTC.

Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, lập Thư tra soát, ký điện tử và gửi cơ quan Thuế.

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi Thông báo tiếp nhận hồ sơ thuế điện tử cho người nộp thuế chậm nhất 15 phút kể từ khi nhận được Thư tra soát của người nộp thuế.

Sau khi nhận được Thư tra soát của người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, cơ quan Thuế kiểm tra, đối chiếu và ban hành Thông báo điều chỉnh thông tin nộp thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử trong thời hạn quy định tại Điều 17 của Thông tư 84/2016/TT-BTC.

Nguồn tham khảo:
- Pháp lý khởi nghiệp.
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top