Các hành vi gian lận thuế TNDN thường gặp của doanh nghiệp

Son.Tran

Member
Hội viên mới
Gian lận về thuế hiện nay tại các DNNVV là một thực trạng rất đáng lo ngại, không chỉ làm giảm tính tuân thủ thuế mà còn tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội. Về kinh tế, gian lận thuế làm thất thu, thiệt hại cho NSNN; đồng thời, kéo theo tệ nạn buôn lậu tăng nhanh, gây ô nhiễm mội trường đầu tư, làm rối loạn sản xuất kinh doanh và triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh

9-hanh-vi-gian-lan-thue-tndn-2017.jpg


Xem thêm: Các hành vi gian lận thuế GTGT thường gặp của doanh nghiệp

Có thể thống kê sơ bộ các hành vi sai phạm về chi phí của các DNNVV gian lận như sau:

1. Tăng giá vốn:

DN tìm cách tăng giá vốn hàng bán, nhất là các DN được hưởng chiết khấu mua hàng do mua hàng với số lượng lớn; giá vốn sai còn do xác định giá trị sản phẩm dở dang, cũng như giá trị hàng tồn kho không đúng. Có DNNVV trên bảng Xuất – Nhập – Tồn thời điểm cuối năm (31/12) không có hàng tồn kho nhưng vẫn xuất bán hàng hóa. Một số DN không đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ (kể cả giá trị xây lắp), không phân bổ chi phí thu mua cho hàng tồn kho, chi phí công cụ, dụng cụ mà kết chuyển hết vào chi phí trong kỳ, nhằm tối đa giá vốn.

Đối với các DN sản xuất, giá vốn còn được nâng lên qua thủ thuật xây dựng định mức vật tư cho một đơn vị sản phẩm cao hơn thực tế, nhằm làm tăng chi phí nguyên vật liệu, hoặc không xây dựng định mức vật tư hạch toán chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cho sản xuất vượt định mức do lợi dụng luật thuế cho DNNVV tự xây dựng và quyết toán định mức, vì hiện nay chỉ một vài ngành là có định mức sản xuất như: Xây dựng, cầu đường, xăng dầu, dệt may... còn lại phần lớn chưa có định mức chung. Việc gian lận về giá nguyên vật liệu “kín đáo” hơn khi DNNVV thỏa thuận với nhà cung cấp nâng báo giá nguyên vật liệu đầu vào (hóa đơn đúng như báo giá); trong khi đó nguyên liệu cùng loại có giá thị trường thấp hơn nhiều.


2. Trích khấu hao tính vào chi phí vượt mức quy định:

Sai mức khấu hao, sai tỷ lệ khấu hao; có DNNVV lách bằng cách tính khấu hao theo tháng chứ không theo ngày, hoặc DNNVV lỗ vẫn trích khấu hao nhanh; trích khấu hao nhanh không đúng loại tài sản và tính chất, trích khấu hao của tài sản không có giấy tờ sở hữu của DNNVV (tài sản thuê, mượn). Có DNNVV vẫn trích khấu hao xe ô tô cả phần nguyên giá vượt giá trị 1,6 tỷ đồng.


3. Gian lận về chi phí tiền lương


Chi phí tiền lương không có đủ hồ sơ theo quy định hoặc hồ sơ lao động giả: DNNVV chỉ cần đăng tin tuyển dụng với mức thu nhập hấp dẫn để hàng trăm lao động nộp hồ sơ ứng tuyển, sau đó vờ đánh trượt hoặc không tuyển nửa và không trả lại hồ sơ. Thế là trong bảng lương của DNNVV có một danh sách chi trả lương “ảo”. DNNVV mặc sức điều tiết quỹ lương vào chi phí và giá vốn, chi phí quản lý DN. Hơn nữa, chi phí lương ảo còn khó phát hiện hơn, khi hợp đồng lao động chủ yếu là người trong gia đình, mặc dù không tham gia kinh doanh. DNNVV tự đẩy chi phí tiền lương trả cho người lao động cao hơn rất nhiều so với thực trả cho người lao động.

Việc bổ sung một vài chức danh khống cho những người không trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh như thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát để được hạch toán chi phí thù lao vào tiền lương làm tăng chi phí.

4. Tính gộp các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài

Một số DNNVV tính gộp các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài hạch toán các khoản chi phí cho tiêu dùng cá nhân như ô tô, điện thoại, xăng xe, ăn uống... cũng khiến cho cơ quan thuế khó xác định, phân biệt bóc tách.

5. Về gian lận chi phí hoạt động tài chính

Các DNNVV có hành vi gian lận chi phí tài chính (lãi vay) không đúng quy định, hạch toán chi phí lãi vay góp vốn điều lệ công ty (ở các công ty góp vốn); hạch toán chi phí lãi vay vượt tỷ lệ khống chế 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố; hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; hạch toán chi phí lãi vay trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản; hình thành tài sản cố định vào chi phí; hạch toán chi phí lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản phải thu, các khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ vào chi phí hoạt động tài chính không đúng quy định.

Nhiều DNNVV lập hồ sơ; khế ước vay khống tư nhân làm tăng chi phí tài chính và giảm thu nhập chịu thuế. Việc xử dụng sai mục đích vốn vay cũng được nhiều chủ DNNVV tư nhân sử dụng khi vay ngân hàng để tiêu dùng cá nhân (mua nhà, mua xe, đầu tư cổ phiếu...), nhưng vẫn hạch toán lãi vay vào chi phí hợp lý, hợp lệ.


6. Các khoản chi phí khác & Thu nhập khác

Nhiều DNNVV còn hạch toán các khoản chi phí khác không đúng quy định như hạch toán vào chi phí tiền nghỉ mát, tiền thưởng tết âm lịch và các ngày lễ khác không ghi trong Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Trong các khoản thu nhập khác và chi phí khác: DNNVV cũng “lách” bằng cách hạch toán các khoản thuế truy thu và tiền phạt hành chính vào chi phí; kê khai thiếu các khoản thu nhập khác được thưởng, khoản hỗ trợ của hãng hoặc của các đối tác, khách hàng thường xuyên.

Các khoản thu nhập khác như tiền thanh lý tài sản cố định; phế liệu; phế phẩm; nợ phải trả nhưng không xác định được chủ nợ; thu tiền phạt vi phạm hợp đồng cũng bị DNNVV lờ đi, không hạch toán vào thu nhập khác, qua kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền mặt (TK 111) và tiền gửi ngân hàng (TK 112) cơ quan thuế phát hiện ra việc phát sinh tăng tiền của các khoản này. Ở mẫu Tờ khai tự quyết toán thuế TNDN năm DNNVV đã “thao tác” điều chỉnh tăng, giảm thu nhập chịu thuế thiếu cơ sở; có DNNVV thậm chí còn đưa khoản thuế truy thu và phạt của kỳ thanh tra trước vào điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế của kỳ này sai quy định, hoặc đưa vào các khoản phạt, vi phạm hợp đồng vào các chỉ tiêu này, làm giảm đáng kể số thuế phải nộp.


7. Gian lận chi phí phân bổ

DNNVV hạch toán và phân bổ chi phí dài hạn không đúng qui định; Kiểm tra các DNNVV này cho thấy có những công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, có công dụng sử dụng ít nhất là 2, 3 năm nhưng DNNVV vẫn đưa toàn bộ một lần vào chi phí thông qua Tài khoản chi phí trả trước ngắn hạn. Đồng thời, các khoản trích trước lớn như chi phí bảo hành, chi phí sửa chữa tài sản cố định không chi hết hoặc thực tế sau này không chi, DNNVV vẫn không hoàn nhập làm tăng thu nhập khác để tính thuế TNDN.

8. DN hợp pháp hóa hồ sơ về các khoản dự phòng về nợ khó đòi:

DN hợp pháp hóa hồ sơ về các khoản dự phòng về nợ khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng bảo hành sản phẩm không đúng quy định. Đây là hành vi gian lận ở mức độ tinh vi. Có DNNVV trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhưng không có Biên bản đối chiếu công nợ, không có công văn đòi nợ, hoặc gian lận tuổi nợ đễ được trích lập 100% dự phòng nợ phải thu khó đòi vào chi phí. Có những doanh nghiệp không có thu nhập (lỗ) vẫn tiến hành trích lập các khoản dự phòng nói trên không đúng quy định.

9. Những sai phạm về Doanh thu điển hình như

Không kê khai hàng hóa dịch vụ mua vào, đồng thời cũng không kê khai doanh thu. Hành vi này rất khó phát hiện, vì ngay cả thông qua xác minh hóa đơn, xác suất phát hiện của cơ quan thuế cũng rất thấp. Giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định. DNNVV mặc sức khuyến mại, giảm giá sản phẩm mà không cần đăng ký với Sở Công thương mà vẫn đương nhiên giảm trừ doanh thu bán hàng. Trong xây dựng, kinh doanh bất động sản, có DNNVV chỉ kê khai thuế TNDN tạm nộp 2% trên doanh thu mà không tạm nộp thuế TNDN theo phương pháp doanh thu trừ chi phí (thuế suất 22%) khi đã xác định được chi phí tương ứng với doanh thu trong xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Phòng Thanh tra thuế
Ngày 02 tháng 6 năm 2016

Nguồn: Anh Nguyễn Tài Tuấn chia sẻ ở Group Gia Đình Kế Toán
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top