Bản tin VBPL tháng 04/2008

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

tiger2774

Dễ thương nhất DKT
Hội viên mới
QUỐC HỘI


Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính - Theo Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBHTVQH12 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 02/4/2008, đã tăng về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể mức phạt tiền tối đa sẽ là 500 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực: bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, đất đai, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, quản lý và bảo vệ rừng, lâm sản, nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi hải sản, dầu khí và các loại khoáng sản khác.

Một vấn đề mới đáng chú ý nữa là cho phép áp dụng thủ tục đơn giản trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đến 200.000 đồng. Người có thẩm quyền có thể quyết định xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Nếu hình thức xử lý là phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gửi cho cha mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người vi phạm đang học tập.

Đối với thẩm quyền quyết định hình thức xử phạt trục xuất, được sửa đổi theo hướng: Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo sự phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra, cho phép lực lượng chức năng sử dụng camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính phục vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/8/2008.


CHÍNH PHỦ


Điều chỉnh giá trong xây dựng - Ngày 14/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 546/TTg-KTN về việc điều chỉnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng.

Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu từ năm 2007 bao gồm: xăng, dầu, sắt thép các loại (bao gồm cả cáp thép, ống thép các loại), nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch, dây điện, cáp điện các loại, gỗ các loại (bao gồm cả cốp pha gỗ, cửa gỗ các loại), kính các loại.

Đối với các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng khác cần điều chỉnh do biến động giá thì chủ đầu tư xác định và báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước quyết định.

Về dự toán chi phí xây dựng bổ sung, cho phép chủ đầu tư xem xét, tính toán đầy đủ các khoản chi phí cần thiết và tự chịu trách nhiệm.

Cho phép tạm ứng tiền bù chênh lệch giá theo mức tạm ứng của hợp đồng đối với khối lượng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80 - 90% chênh lệch giá của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm thủ tục điều chỉnh…


BỘ TÀI CHÍNH


Điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên - Ngày 14/4/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BTC về việc điều chỉnh các mức thuế suất trong Biểu thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị định số 68/1998/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) và Nghị định số 147/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 68/1998/NĐ-CP.

Theo đó, điều chỉnh mức thuế suất đối với: Khoáng sản kim loại đen (sắt, man gan, titan v.v...) lên mức 5% (quy định trước đây là 2%); Khoáng sản kim loại màu như: vàng sa khoáng, vàng cốm lên 6% (trước đây là 2% và 3%); Đất hiếm: 8% (trước đây: 4%); Chì, kẽm, nhôm, bau xít, đồng, niken, coban, monlipden, thuỷ ngân, ma nhê, vanadi, platin lên 5% (trước đây 3%)…

Khoáng sản không kim loại làm vật liệu xây dựng thông thường khác (đá, cát, sỏi, đất làm gạch...): 4% (trước đây 2%)…

Nước khoáng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp: 8% (trước đây: 4%)…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


BỘ CÔNG THƯƠNG


Quản lý hoạt động mua bán hàng hoá- Ngày 14/4/2008, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BTM hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu nhưng chưa có quyền phân phối được bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó (quy định hiện hành: chỉ được bán cho duy nhất một nhà phân phối)…

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu nhưng chưa có quyền phân phối không được lập cơ sở để phân phối hàng nhập khẩu; đồng thời định kỳ hàng quý, trước ngày 15 của tháng đầu tiên quý kế tiếp, doanh nghiệp phải lập báo cáo về thương nhân mua hàng nhập khẩu gửi đến cơ quan cấp phép có thẩm quyền…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


BỘ XÂY DỰNG


Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch- Ngày 10/4/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2008/TT-BXD hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch cấp tỉnh, thành phố (Hội đồng KTQH).

Theo đó, Hội đồng KTQH là một tổ chức tư vấn, phản biện chuyên ngành cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị, nông thôn trên phạm vi địa giới tỉnh, thành phố.

Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số. Kết luận của Hội đồng phải được trên 50% tổng số thành viên dự họp đồng ý. Phiên họp Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng được triệu tập có mặt.

Trong cuộc họp về nội dung quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn, thành phần tham dự phải là kiến trúc sư và kỹ sư chuyên ngành liên quan khác, chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Trong cuộc họp về nội dung kiến trúc-cảnh quan đô thị, thành phần tham dự phải là kiến trúc sư, chiếm tỷ lệ từ 70% trở lên.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chương trình hành động ngành xây dựng giai đoạn 2007 - 2011- Ngày 08/4/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 05/2008/QĐ-BXD ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực xây dựng, quản lý phát triển đô thị với các trọng tâm sau: Đề xuất cơ chế thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; Nghiên cứu chính sách cho phép mở rộng đối tượng là người Việt nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở Việt Nam; Nghiên cứu hoàn thiện thể chế thị trường Bất động sản; Xây dựng Đề án đầu tư quỹ nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng thu nhập thấp thuê, thuê mua.

Ngoài ra, nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động vốn, nguồn lực cho việc lập quy hoạch xây dựng đô thị góp phần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, phấn đấu đến năm 2010 sẽ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tại các địa phương nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý xây dựng công trình theo quy hoạch...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Điều lệ trường mầm non - Theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 07/4/2008, quy định: về tên gọi, không ghi loại hình nhà trường, nhà trẻ công lập, dân lập hay tư thục. Quy định mới này nhằm để giảm tải cho sức ép của các trường mầm non công lập trong tình trạng thiếu trường trầm trọng như hiện nay vì tâm lý muốn học trường công của các bậc phụ huynh…

Trường mầm non chỉ được mở khi có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy định. Trường hợp chưa quyết định thành lập hoặc chưa cho phép thành lập, UBND cấp huyện có văn bản thông báo cho phòng giáo dục và đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết.

Trường mầm non phải có trách nhiệm nhận trẻ em trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi được nhận tối đa 15 trẻ; nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ; nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ…

Đối với lớp mẫu giáo: trẻ em từ 3 đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau: lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 trẻ; lớp 4 - 5 tuổi: 30 trẻ; lớp 5 - 6 tuổi: 35 trẻ…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối (SMS: 503722) - Ngày 11/4/2008, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2008/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để được xem xét, xác nhận đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước phải kinh doanh có lãi năm liền kề năm đăng ký hoạt động này. Nếu cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế phải kinh doanh có lãi trong 3 năm gần nhất…

Trước khi thực hiện cung ứng dịch vụ ngoại hối, tổ chức tín dụng phải xây dựng quy trình giao dịch, các biện pháp quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Quy trình giao dịch phải thể hiện rõ nội dung và các bước thực hiện giao dịch, có phân công cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của các cấp trong việc thực hiện giao dịch; có phân cấp cụ thể đối với hạn mức giao dịch, hạn mức lỗ (nếu có), đảm bảo kiểm soát kép trong quy trình giao dịch. Cán bộ quản lý, giám sát giao dịch không được trực tiếp thực hiện giao dịch. Các giao dịch phải được kiểm soát theo quy định hiện hành về kiểm tra, kiểm soát nội bộ…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC


Chấn chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán- Theo Công văn số 617/UBCK-GS ra ngày 14/4/2008 về việc tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động giao dịch chứng khoán của các công ty chứng khoán, UBCKNN yêu cầu các công ty CK thực hiện rà soát và bổ sung các quy định trong quy trình giao dịch đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quy trình giao dịch CK. Hoạt động kiểm soát này cần được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ để hạn chế thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm và xung đột lợi ích giữa công ty CK, nhân viên công ty CK với nhà đầu tư.

Đặc biệt, tuân thủ chặt chẽ việc nhập lệnh của khách hàng, của nhân viên công ty và lệnh tự doanh vào hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán phải theo đúng thứ tự và thời gian nhận lệnh và đúng quy trình giao dịch của công ty.

Ngoài ra, khi nhận lệnh, phiếu lệnh đều phải có thông tin chính xác, đặc biệt là có số thứ tự, thời gian nhận lệnh, chữ ký của khách hàng; thực hiện lập, quản lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ lệnh giao dịch chứng khoán theo đúng quy định pháp luật hiện hành đối với chứng từ kế toán.
 
Sửa lần cuối:
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Cách làm file Excel quản lý lãi vay

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top