Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán khác nhau thế nào?

Xích Cẩm Tiên

Member
Hội viên mới
Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán đều là khoản giảm giá của người bán cho người mua được hai bên thỏa thuận trước đó, thường được quy định trong hợp đồng.

chiet_khau_la_gi.jpg

Chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán là gì?

Theo Chuẩn mục kế toán số 14- Doanh thu và thu nhập khác (VAS14), thì chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán được hiểu như sau:

"Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
...

Chiết khấu thanh toán: Là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng
".

Như vậy, bản chất sự giảm giá của hai loại chiết khấu này hoàn toàn khác nhau: Chiết khấu thương mại được người bán giảm giá khi người mua đạt số lượng lớn, còn chiết khấu thanh toán là khoản tiền được giảm trừ khi người mua thanh toán tiền hàng trước hạn.

Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán khác nhau thế nào?

Theo VAS14 (đính chính bởi Thông tư 89/2002/TT-BTC, Thông tư 161/2007/TT-BTC) thì chiết khấu thương mại được giảm trừ vào doanh thu, còn 'chiết khấu thanh toán', không như IFRS, VAS14 đã không còn đề cập:

"Doanh thu phát sinh từ giao dịch được xác định bởi thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên mua hoặc bên sử dụng tài sản. Nó được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu được hoặc sẽ thu được sau khi trừ (-) các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại.".

Điều này có nghĩa, chiết khấu thanh toán sẽ không được loại trừ khỏi doanh thu- đây là khác biệt cơ bản nhất giữa chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán, dẫn đến cách hạch toán cũng như chính sách thuế áp dụng sẽ khác nhau..

Theo Điểm 2.5 Phụ lục 4 kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn đối với chiết khấu thương mại như sau:

"2.5. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.

Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào
".

Như vậy, chiết khấu thương mại được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn hoặc xuất hóa đơn điều chỉnh giá cho các hóa đơn trước đó. Do vậy, chiết khấu thương mại được giảm trừ thuế GTGT lẫn thuế TNDN.

Chiết khấu thanh toán không được giảm trừ vào doanh thu (tức không được giảm thuế GTGT) nhưng được đưa vào chi phí hoạt động tài chính (được giảm trừ thuế TNDN). Bên nhận chiết khấu thanh toán ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính (xem phần hạch toán theo hướng dẫn Thông tư 200/2014/TT-BTC).

Mặt khác, tại khoản 4, Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 quy định về thuế TNCN như sau:

"Điều 10. Thuế đối với cá nhân kinh doanh

3. Thuế suất:


a) Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%;


b) Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%.


Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%;


c) Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%;


d) Hoạt động kinh doanh khác: 1%.
”.

Tại điểm 4, Phụ lục 01 - Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 hướng dẫn: Các dịch vụ khác không chịu thuế GTGT thì thuộc diện chịu thuế TNCN theo thuế suất 1%.

Do đó, nếu chiết khấu thương mại trả bằng tiền (không giảm trừ trên hóa đơn) và chiết khấu thanh toán thì doanh nghiệp phải phải khấu trừ 1% thuế TNCN nếu người nhận chiết khấu là cá nhân.

Tốm lại, chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán có một số khác biết cơ bản sau:

chiết khấu thương mại.png

Hạch toán chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán

Hướng dẫn hạch toán chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán sau sẽ trình bày theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

a/ Đối với bên bán hàng

a1/ Chiết khấu thương mại

Trường hợp chiết khấu thương mại giảm trừ trên hóa đơn, tức giá đã trừ chiết khấu (doanh thu thuần) nên kế toán không phải ghi vào tài khoản 521.

Trường hợp trên hóa đơn bán hàng chưa thể hiện số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán do khách hàng chưa đủ điều kiện để được hưởng hoặc chưa xác định được số phải chiết khấu, giảm giá thì doanh thu ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu (doanh thu gộp). Sau thời điểm ghi nhận doanh thu, nếu khách hàng đủ điều kiện được hưởng chiết khấu, giảm giá thì kế toán phải ghi nhận riêng khoản chiết khấu giảm giá để định kỳ điều chỉnh giảm doanh thu gộp, ghi:

Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (giá chưa có thuế)

Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp (số thuế giảm do được chiết khấu thương mại)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng số tiền giảm giá).

Nếu chiết khấu thương mại trả bằng tiền mà không giảm trừ/ điều chỉnh giá trên hóa đơn thì khoản chiết khấu không được giảm trừ thuế GTGT phải nộp, ghi:

Nợ Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu

Có TK 3335 (Khấu trừ thuế TNCN nếu người nhận chiết khấu là cá nhân)

Có TK 111 - Số tiền chiết khấu.

a2/ Chiết khấu thanh toán

Số chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn quy định, trừ vào khoản nợ phải thu của khách hàng, ghi:

Nợ TK 111, 112 (tiền thu bán hàng)

Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (Số tiền chiết khấu thanh toán)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

b/ Đối với bên mua hàng

b1/ Chiết khấu thương mại

Trường hợp khoản chiết khấu thương mại nhận được sau khi mua nguyên, vật liệu thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của nguyên vật liệu để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số nguyên vật liệu còn tồn kho, số đã xuất dùng cho sản xuất sản phẩm hoặc cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:

Nợ các TK 111, 112, 331,....

Có TK 152, 153, 156 (nếu còn tồn kho)

Có các TK 621, 623, 627, 154, 242 (nếu đã xuất kho hết)

Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu hàng hóa đã xuất dùng hoạt động đầu tư xây dựng)

Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm đã được xác định tiêu thụ trong kỳ)

Có các TK 641, 642 (nếu dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý)

Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

b2/ Chiết khấu thanh toán

Khi trả tiền cho người bán, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán, thì khoản chiết khấu thanh toán thực tế được hưởng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán)

Có TK 111, 112 (trả tiền mua hàng)

Theo Ketoan.biz
 
Đối với các khoản chiết khấu thì nếu khi nói là sẽ được hưởng chiết khấu bao nhiêu % thì khi ta tính ta sẽ dựa trên tổng số tiền hay là sao ạ?
 
Đối với các khoản chiết khấu thì nếu khi nói là sẽ được hưởng chiết khấu bao nhiêu % thì khi ta tính ta sẽ dựa trên tổng số tiền hay là sao ạ?
Dạ chào anh!
Như trên bài viết đã nêu: "Bản chất sự giảm giá của hai loại chiết khấu này hoàn toàn khác nhau: Chiết khấu thương mại được người bán giảm giá khi người mua đạt số lượng lớn, còn chiết khấu thanh toán là khoản tiền được giảm trừ khi người mua thanh toán tiền hàng trước hạn."
Do đó:
- Đối với chiết khấu thương mại thì hưởng chiết khấu % trên giá bán
- Đối với chiết khấu thanh toán thì hưởng chiết khấu % trên tổng số tiền phải trả
 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top