Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các công ty đại chúng

Thu Thao Tran

Member
Hội viên mới
Đánh giá của cơ quan quản lý, cũng như thực tiễn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cho thấy, báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của các công ty đại chúng đang bộc lộ khá nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán, cũng như niềm tin của nhà đầu tư, nên cần có giải pháp để khắc phục.


55_KHNX.jpg




Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng: Một số tồn tại, hạn chế


Qua thực tiễn giám sát lập và công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của các công ty đại chúng, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, phần lớn các công ty đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc công bố BCTC và BCTC được kiểm toán.


Tuy nhiên, BCTC kiểm toán của một số công ty vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: BCTC kiểm toán được lập và công bố chưa tuân thủ đúng thời hạn quy định (chậm so với quy định); BCTC kiểm toán có sự chênh lệch lớn về số liệu với BCTC trước kiểm toán; BCTC kiểm toán chưa hợp nhất đầy đủ công ty con, chưa thuyết minh đầy đủ giao dịch với bên liên quan; Một số công ty chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê tiền mặt tại quỹ, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang; BCTC kiểm toán có ý kiến kiểm toán chưa phù hợp...


Thực tế cho thấy, các sai sót trong lập và công bố BCTC, ngoài lý do vô tình, còn có nguyên nhân cố ý - tức là gian lận. Các sai sót vô ý thường không quá nghiêm trọng vì dễ phát hiện và nguyên nhân của nó có khi chỉ do hiểu sai, diễn giải sai hoặc đơn giản là cộng trừ sai. Ngược lại, sai sót do nguyên nhân cố ý khó phát hiện và có tính nghiêm trọng.


Liên quan đến lập BCTC của các DN niêm yết, có một số điểm DN cần lưu ý như: Ghi nhận các giao dịch phát sinh và trình bày các khoản mục trên BCTC chưa theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán và các quy định liên quan; Thuyết minh các khoản mục trọng yếu trên BCTC chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ; Các giao dịch và số dư với các bên liên quan chưa được trình bày theo đúng quy định...


Đồng thời, việc lập BCTC theo đúng quy định bao gồm cả việc thuyết minh đầy đủ các nội dung trên BCTC là rất cần thiết để cho cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý có một cái nhìn đầy đủ về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của DN. Những lỗi sai sót này có thể do khách quan – năng lực của người lập BCTC, hay chủ quan – sai sót có chủ đích theo mục đích “làm đẹp” BCTC của các DN...


Các chuyên gia nhìn nhận, những lỗi về lập và trình bày BCTC trước hết thuộc về trách nhiệm của công ty đại chúng nếu công ty kiểm toán đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán theo quy định. Khi phát hiện việc lập và trình bày BCTC của công ty đại chúng chưa tuân thủ quy định (xét trên khía cạnh trọng yếu) thì công ty kiểm toán có ý kiến để công ty đại chúng điều chỉnh BCTC theo quy định. Nếu công ty đại chúng từ chối điều chỉnh, thì đơn vị kiểm toán phải nêu trong ý kiến kiểm toán đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và xem xét đưa ra ý kiến kiểm toán thuộc dạng không phải ý kiến chấp nhận toàn phần phù hợp.


Tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm


Trong quá trình giám sát, khi phát hiện ra các sai phạm của các công ty đại chúng và công ty kiểm toán trong việc lập, kiểm toán và công bố BCTC, UBCKNN xem xét xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch của thị trường chứng khoán.


Trong năm 2016, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 59 trường hợp là vi phạm của tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, trong đó có công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin BCTC theo quy định; đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán đối với 1 công ty kiểm toán và 16 kiểm toán viên.


Trên thị trường có một số DN công bố BCTC trước và sau kiểm toán có chênh lệch lớn. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, khi có sự chênh lệch số liệu vượt quá 5% trước và sau kiểm toán, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình ngay nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu đồng thời với công bố BCTC.


Trên cơ sở giải trình của DN, nếu UBCKNN có cơ sở để khẳng định số liệu chênh lệch có nguyên nhân chủ quan từ phía DN, hành vi này sẽ bị coi là công bố thông tin không chính xác, khi đó UBCKNN sẽ xem xét và xử lý theo quy định. Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận BCTC, UBCKNN sẽ tổ chức đoàn kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất để làm rõ. Với một số trường hợp có dấu hiệu phạm tội, UBCKNN sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định.


Đặc biệt, các cổ đông của công ty đại chúng với vai trò là chủ sở hữu DN, cần nâng cao vai trò giám sát DN, quyết định các vấn đề quan trọng của công ty theo thẩm quyền quy định tại Luật DN và Điều lệ công ty để đảm bảo tính hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của mình, cũng như giúp công ty đại chúng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt là trong huy động vốn và sử dụng vốn.


Theo các chuyên gia, để giảm thiểu các sai sót trong lập và công bố BCTC vì bất kể nguyên nhân nào, trước hết và quan trọng nhất là ý thức tuân thủ của DN cần được cải thiện vì lợi ích bền vững của chính DN và các cổ đông của công ty. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe.


Chất lượng của một BCTC không chỉ phụ thuộc vào năng lực lập BCTC của DN, mà quan trọng hơn là ý thức của Ban lãnh đạo DN. Năng lực lập BCTC có thể được nâng cao thông qua công tác đào tạo nhân sự. Để nâng cao chất lượng BCTC, điểm quan trọng nhất là Ban lãnh đạo của DN cần nhận thức được yêu cầu và ý nghĩa của việc lập BCTC trung thực, minh bạch vì sự phát triển bền vững và an toàn tài chính của chính DN.


Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của công ty đại chúng, việc tăng cường công tác giám sát chất lượng công bố thông tin BCTC được kiểm toán đóng một vai trò rất quan trọng. Từ ngày 1/1/2016, UBCKNN đã thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng, trong đó có chức năng giám sát, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của các tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán đối với các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời giám sát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng.


Thời gian qua, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện nhiều đợt kiểm tra, làm việc với các công ty kiểm toán. Qua công tác kiểm tra, giám sát, một số trường hợp vi phạm đã được phát hiện và UBCKNN đã kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp này để đảm bảo tính răn đe và sự công bằng đối với các thành viên tham gia thị trường.


Các cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc công bố BCTC đã được kiểm toán, thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và bất thường các công ty đại chúng, công ty kiểm toán xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định để nâng cao tính minh bạch trong công bố BCTC của các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.

Trương Thị Thùy Dương

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính: Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn Bộ Tài chính công bố thông tin trên TTCK;

2. Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN;

3. Trang điện tử: ssc.gov.vn, mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 3/2017

 

CẨM NANG KẾ TOÁN TRƯỞNG


Liên hệ: 090.6969.247

KÊNH YOUTUBE DKT

Kỹ thuật giải trình thanh tra BHXH

Đăng ký kênh nhé cả nhà

SÁCH QUYẾT TOÁN THUẾ


Liên hệ: 090.6969.247

Top